Cân nhắc kỹ tỉ trọng vốn vay để không phải gồng gánh trả lãi mua nhà

 

Chị Trần Thu Lý (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), làm trong ngành truyền thông quyết định vay gần 700 triệu đồng để mua nhà. Ba năm nay lãi suất luôn dao động khoảng 7,5%/năm, bình quân mỗi tháng chị trả khoảng 5,4 triệu đồng tiền lãi vay.

Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây, chị phải trả ở mức từ 6 – 6,2 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 700 – 800 ngàn đồng/tháng. Tính ra lãi suất là khoảng 9%/năm. Với thu nhập khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng thì chỉ riêng tiền lãi ngân hàng đã tốn một nửa thu nhập của chị.

Theo chị Lý, trước đây, thu nhập của chị khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng nay bị giảm trong khi lãi suất lại tăng. Trong năm nay 2023 khoản vay đáo hạn, phải trả hết, trong lúc hồ sơ vay lại theo lãi suất và chính sách mới sẽ cao hơn lại khiến chị Lý khó khăn hơn.

Cùng cảnh, vợ chồng chị Kim Anh (quê ở Nam Định) cho biết hai vợ chồng đang có 1 khoản vay tại ngân hàng để mua nhà. Mới đây chị nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tăng lãi suất tăng từ 7,8%/năm đầu lên 14,5%/năm.

Hiện chị Kim Anh rất lo lắng vì khoản lãi vay, mỗi tháng số tiền phải trả cao hơn mức thu nhập của mình trong khi kinh tế khó khăn, việc làm bị cắt giảm.

 
Chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này người mua nhà nên cân đối lãi vay. Ảnh Cao Nguyên. 

Không chỉ đối với những người thu nhập thấp vay mua nhà thương mại khó mà từ đầu năm 2023, lãi suất vay mua nhà ở xã hội sẽ tăng lên 5%/năm, thay vì 4,8%/năm như năm 2022.

Mặc dù lãi suất mua nhà giá rẻ thấp nhưng khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi không hề dễ. Những yêu cầu quá ngặt nghèo cộng với hạn mức vay thấp, trong khi giá liên tục đội lên, khiến giấc mơ an cư của đa số người có thu nhập trung bình trở xuống trở nên xa vời.

Anh Nguyễn Quang Dũng, quê Bắc Giang, lập nghiệp tại Hà Nội đã gần 10 năm. Là nhân viên văn phòng, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/tháng, nên việc mua một căn nhà ở xã hội vẫn là điều mơ ước của anh Dũng.

Sau khi tìm hiểu, vợ chồng anh Dũng đang “ngắm” một căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở Bắc Từ Liêm. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện tại của anh là tiếp cận vốn vay ưu đãi.

“Với ngân hàng chính sách, phải có tiền gửi trước 6 tháng, chứng minh thu nhập, hộ khẩu thường trú ổn định. Ngân hàng thương mại thì điều kiện ‘dễ thở’ hơn, nhưng lãi suất lại quá cao. Tiếp cận vốn vay khó, giá nhà lại liên tục tăng khiến tôi đang như ngồi trên đống lửa”, anh Dũng chia sẻ.

Trước thực trạng lãi vay ngày càng tăng cao và giao dịch giảm sút, các chuyên gia cho rằng, trước khi xuống tiền, những người mua nhà nên xem xét, cân nhắc kỹ về tỉ trọng vốn vay.

Theo đó phần trăm vay càng ít càng tốt để tránh những rủi ro đuối tài chính khi lãi suất thả nổi. Tỉ trọng vốn vay khi mua nhà chỉ nên cân nhắc ở mức dưới 50% giá trị tài sản.

Các trường hợp vay 70 – 80% giá trị nhà có thể gặp nhiều rủi ro khi lãi suất thả nổi sau thời gian hết hạn ưu đãi, rồi dẫn đến những áp lực tài chính kéo dài, khiến người mua chìm trong lo toan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *