Ngã ngửa với những thông tin rao bán nhà qua mạng của môi giới

Ngã ngửa với những thông tin rao bán nhà qua mạng của môi giới
Ngã ngửa với những thông tin rao bán nhà qua mạng của môi giới
Người mua cần lựa chọn thông tin rao bán để tìm hiểu tránh gặp rắc rối và phiền phức. Ảnh Cao Nguyên.

Đang có nhu cầu mua nhà, chị Nguyễn Thị Thêu (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm kiếm rất nhiều hội nhóm bất động sản (BĐS) trên mạng xã hội. Không khó để chị tìm kiếm được thông tin về những căn nhà đúng các tiêu chí mà gia đình mình mong muốn.

Thế nhưng, khi đến xem nhà, chị Thêu mới “ngã ngửa” bởi tình trạng công trình hoàn toàn khác xa so với mô tả trên mạng.

“Các bài đăng miêu tả nhà có 4 tầng, đẹp, ngõ to, ôtô tránh nhau, giá chỉ 70 triệu đồng/m2. Song thực tế, nhà nằm sâu trong một ngõ nhỏ. Diện tích và chất lượng hoàn toàn khác trên mạng”, chị Thêu nói và cho biết, sau khi tìm hiểu, chị mới biết đây là chiêu trò dụ khách của đội “cò” BĐS.

Đây là chiêu trò đầu tiên, cũng là nhẹ nhàng nhất của giới “cò” BĐS. Tuy chưa lừa tiền của người mua, nhưng khiến cho khách hàng mất thời gian, ảnh hưởng công việc và gây không ít phiền toái, khó chịu.

Một chiêu thức tinh vi hơn được anh Nguyễn Đức Hùng (người trong cuộc, từng làm nhân viên môi giới BĐS) chia sẻ đó là sử dụng trò tạo sức ép. Cụ thể, khi người mua gặp chủ nhà, những người này sẽ cho người quen đến đóng giả khách mua để xin đặt cọc.

Theo anh Hùng, mục đích của chiêu trò này là khiến khách mua nóng lòng chốt giá căn nhà. Người mua khi đã ưng căn nhà thì dễ bị phân tâm, hơn nữa khi có người mua tranh thì tâm lý dễ xao động mà xuống tiền cọc sớm.

Nhiều thông tin rao bán cắt lỗ bất động sản không đúng, tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều thông tin rao bán cắt lỗ BĐS tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

“Việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng bây giờ khá tiện lợi. Khách chuyển tiền và làm hợp đồng đặt cọc rất nhanh chóng. Nhưng khi về nhà mới thấy ‘hớ’ thì đã quá muộn, vì nếu bỏ thì mất tiền cọc”, anh Hùng cho hay.

Cũng theo người môi giới này, rất nhiều người tư vấn BĐS có tâm, mục đích của họ giúp các bên đều tối đa hóa lợi ích, nhưng không ít người lợi dụng việc mua bán để hưởng khoản tiền chênh “khủng”.

Bên cạnh các chiêu trò trên, theo tìm hiểu của phóng viên, cũng có những chiêu dụ khách khác như “cò” BĐS mạo danh chủ đầu tư để đi bán dự án. Rủi ro của người mua khi gặp các đối tượng này chính là chênh lệch giá và thông tin không minh bạch. Vì thế, người mua khi gặp các “cò” dạng này thì nên đến trực tiếp sàn giao dịch để kiểm chứng.

Đặc biệt, có những quảng cáo sai sự thật, tạo địa chỉ giả nhằm lấy thông tin khách hàng, mạo danh chủ nhà hoặc thuê căn hộ chung cư rồi lừa bán. Thực tế, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm minh nhiều đối tượng lừa đảo, tuy nhiên, hành vi này vẫn còn, người dân cần cẩn trọng để tránh thiệt hại không đáng có.

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam – ông Nguyễn Văn Đính cho biết, có một số nạn nhân bị lừa đảo mua phải nhà, đất ảo phản ánh với hội. Phía hội dự kiến sẽ mở trang thông tin nhằm giới thiệu các dự án nhà ở, đất ở, nêu rõ thông tin đơn vị nào là chủ đầu tư, phân phối dự án. Đồng thời, công khai danh sách các đơn vị bán hàng, nhà môi giới đủ điều kiện, có chứng chỉ hành nghề với đầy đủ danh tính cho các nhà đầu tư có cơ sở tra cứu dữ liệu, thông tin minh bạch.

Cũng để tránh xảy ra tình trạng lừa đảo đáng tiếc, theo ông Đính, người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin liên quan trước khi quyết định mua nhà, đất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *