Mắt xích đẩy doanh nghiệp bất động sản phát triển trong năm 2023

Cơ cấu nguồn vốn bất động sản. Ảnh: Chụp màn hình

Đa dạng kênh huy động vốn

Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cơ cấu nguồn vốn BĐS năm 2022 có 71% là tín dụng ngân hàng, trong khi đó cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 2%, vốn tự có khoảng 10%, trái phiếu doanh nghiệp 10%, vốn FDI 7%.

TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV – nhìn nhận, vốn tín dụng ngân hàng là dòng vốn quan trọng đối với toàn thị trường BĐS. Tuy nhiên, BĐS là lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn trong khi tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn.

Cơ cấu nguồn vốn bất động sản. Ảnh: Chụp màn hình
Cơ cấu nguồn vốn bất động sản. Ảnh: Chụp màn hình

Vì vậy, nếu phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn này, thị trường địa ốc sẽ không phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ không đảm bảo được dòng tiền ổn định để duy trì hoạt động đầu tư và triển khai dự án. Những khó khăn về dòng vốn cho thị trường bất động sản trong hai quý cuối năm 2022 là minh chứng rõ nhất.

Theo vị chuyên gia này, cấu trúc vốn các doanh nghiệp BĐS cần phải thay đổi. Hệ thống vốn vay ngân hàng chỉ nên chiếm 50%, thay vào đó là đa dạng hoá các kênh huy động vốn, đẩy mạnh phát triển vốn từ kênh trái phiếu, cổ phiếu, dòng vốn FDI…

Có như vậy, doanh nghiệp BĐS mới không nghĩ nhiều đến vốn vay ngân hàng và không lệ thuộc quá nhiều vào dòng vốn này. Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ “sống khỏe” hơn trong trường hợp room tín dụng cạn hoặc các chính sách thắt chặt dòng vốn tín dụng đổ vào địa ốc được thực hiện.

Hướng đến các sản phẩm thực

Bên cạnh đa dạng các kênh huy động vốn, một lời khuyên khác được giới chuyên gia đưa ra cho doanh nghiệp BĐS khi bước sang năm 2023 là nhanh chóng tái cơ cấu sản phẩm, phân khúc đang đầu tư, hướng đến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. 

Thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2023. Ảnh: Cao Nguyên
Thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2023. Ảnh: Cao Nguyên 

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM – cho biết, thị trường địa ốc giai đoạn tới có khả năng hồi phục song chắc chắn sẽ đối mặt với không ít thách thức do chịu nhiều tác động từ các yếu tố nội tại cho đến các yếu tố bên ngoài.

Bản thân sức khoẻ các doanh nghiệp đã phần nào suy yếu khi đi qua năm 2022, do đó, để tồn tại được trong năm 2023, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động có những giải pháp để tự cứu lấy mình. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tái cấu trúc sản phẩm, dự án cùng với việc linh hoạt các hoạt động đầu tư.

“Năm 2022 đã cho chúng ta thấy, khi thị trường suy giảm, khủng hoảng niềm tin xảy ra, nhà đầu tư sẽ e ngại tham gia thị trường. Lúc này, thị trường chỉ xuất hiện những giao dịch thật, đến từ các khác hàng có nhu cầu thật.

Chính vì vậy, những doanh nghiệp nào có sản phẩm với mức giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu an cư của người dân, doanh nghiệp đó sẽ có khả năng chống chịu tốt trước các biến động”, ông Bảo bày tỏ.

Cũng theo vị này bài học cho các doanh nghiệp trong năm 2023 là nên nhìn lại giỏ hàng của mình để cân đối các sản phẩm BĐS, có nhiều hơn các sản phẩm với giá phù hợp tại các dự án mới.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – cũng cho rằng, ở thời điểm này, doanh nghiệp phải xem lại danh mục đầu tư để điều chỉnh các dự án, cân đối các dòng sản phẩm để phù hợp với người tiêu dùng hơn, giúp tăng tính thanh khoản thu được dòng tiền.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, cung cấp thông tin, dữ liệu về thị trường, giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển bền vững, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *