Tháo gỡ khó khăn trong việc cấp sổ hồng

Tháo gỡ khó khăn trong việc cấp sổ hồng
Nhiều dự án người dân đã vào ở khá lâu vẫn chưa có sổ. Ảnh: Anh Dũng

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, trong năm 2022 sở đã cấp giấy chứng nhận cho 21.218 hồ sơ thuộc 401 dự án tăng 49 dự án so với năm 2021. Sở TNMT đang phấn đấu cấp thêm 3.000 căn nhà ngoài chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2022. Tổng cộng 23.000 hồ sơ dự kiến giải quyết cấp giấy chứng nhận trong năm 2022 có giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 91.851 tỉ đồng, nguồn thu dự kiến từ thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, phí, lệ phí cấp giấy  từ công tác cấp giấy chứng nhận của năm 2022 là hơn 4.600 tỉ đồng.

Tuy nhiên, một thực trạng đó là hiện nay vẫn còn rất nhiều dự án chưa được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) vì nhiều nguyên nhân, trong đó câu chuyện tính tiền sử dụng đất là lý do chính. Chỉ riêng vướng mắc liên quan đến việc tính nghĩa vụ tài chính bổ sung đã chiếm khoảng 1/4 tổng số dự án đang ách tắc hiện nay.

Cần sớm giải quyết vướng mắc trong việc tính tiền sử dụng đất. Ảnh: Gia Miêu
Cần sớm giải quyết vướng mắc trong việc tính tiền sử dụng đất. Ảnh: Gia Miêu 

Hàng loạt dự án đã bàn giao cho dân vào ở nhiều năm, nhưng bị “ngâm” sổ hồng do cơ quan nhà nước chưa tính được tiền sử dụng đất. Điển hình Dự án Riverside Complex (Khu dân cư và Thương mại hỗn hợp Khải Vy, phường Phú Thuận, quận 7) của Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh, có diện tích 77.000 m2 đang hoàn thiện phần chung cư sắp đưa vào sử dụng. Dự án có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ 2019, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý trình hồ sơ phê duyệt giá đất, mặc dù Công ty đã rất nhiều lần có văn bản kiến nghị đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết sớm thủ tục thẩm định tiền sử dụng đất để Công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Ngoài ra, nhiều dự án có nghĩa vụ tài chính phát sinh là có thay đổi như điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án so với quy hoạch được duyệt, vì vậy sẽ phải tính thêm nghĩa vụ tài chính bổ sung. Đơn cử như Dự án 8X Thái An (phường 14, quận Gò Vấp) do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 3.600 m2, đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016. Nhưng từ đó tới nay, UBND TP.HCM vẫn chưa duyệt giá đất, do vẫn đang xem xét điều chỉnh quyết định chuyển mục đích để xác định có hay không nghĩa vụ tài chính phát sinh, dẫn tới thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân bế tắc. Đó chỉ là những trường hợp điển hình, như báo cáo tổng hợp của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong số 143 dự án bất động sản đang ách tắc thủ tục trên địa bàn Thành phố, chỉ riêng vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính đã chiếm hơn 25%. 

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng vừa có văn bản khẩn gửi đến UBND Thành phố để đề xuất Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép được xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn, trình HĐND Thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, mà không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất. Việc cho phép TPHCM thí điểm ban hành và áp dụng hệ số K để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tất cả các khu đất, thửa đất sẽ đảm bảo việc xác định giá đất cụ thể, nhanh chóng. Khi đó nếu giải quyết được vấn đề tiền sử dụng đất thì sẽ giải quyết được nhiều vấn liên quan khác cho các dự án bất động sản, nhất là những dự án bị “treo” sổ hồng cả chục năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *