Xử lý bất cập thị trường bất động sản khi chờ Luật Đất đai sửa đổi ban hành

Xử lý bất cập thị trường bất động sản khi chờ Luật Đất đai sửa đổi ban hành
Xử lý bất cập thị trường bất động sản khi chờ Luật Đất đai sửa đổi ban hành
Ảnh: Phan Anh.

Nhà ở cho công nhân còn hạn chế 

Ngày 17.12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Sáng cùng ngày, diễn ra Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng tổ chức.

 
 Quang cảnh Hội thảo chuyên đề 2 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. Ảnh: Thành Trung

Tại phần trình bày, các chuyên gia chỉ ra nguồn cung bất động sản năm 2022 còn thiếu và yếu về chất, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội.

Tổng cung 9 tháng đầu năm đạt 41.886 sản phẩm tương đương 77,9% tổng lượng cung bất động sản nhà ở năm 2021 và 24% so với năm 2018.

Các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, công nhân các khu công nghiệp.

Tính tổng số dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai từ trước đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 279 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.400.000 m2.

Năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng,

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

 
 Ông Lê Hoàng Châu chỉ ra những bất cập, khó khăn của thị trường bất động sản. Ảnh: Cát Tường 

Nguyên nhân tới từ một số quy định pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; công tác thực thi pháp luật chưa thật hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, phức tạp; một số cán bộ công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, không dám đề xuất, không dám quyết định; chưa phát triển đồng bộ các thị trường vốn;…

Đồng thời, có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản như đầu tư dàn trải, vượt quá năng lực tài chính, quản trị hoặc xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, muốn tối đa hoá lợi nhuận, chưa thật sự bảo đảm hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng.

Cá biệt có doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, có trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản

Để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đề xuất một số nhóm giải pháp dài hạn như: Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường bất động sản phát triển cân đối giữa cung và cầu.

Nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản. Hoàn thiện hệ thống thông tin, dự báo thị trường bất động sản. Hoàn thiện chính sách kiểm soát chống đầu cơ bất động sản. Hoàn thiện các chính sách nhằm giảm chi phí đầu vào của thị trường bất động sản.

 
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cát Tường 

Tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh – Lê Hoàng Châu cũng chỉ ra những giải pháp cấp thiết để xử lý các vướng mắc, khó khăn rất lớn của thị trường bất động sản.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường và thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để tháo gỡ ngay một số vướng mắc; đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương “bơm” nguồn vốn tín dụng bổ sung vào nền kinh tế đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề nghị khẩn trương xử lý một số khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

“Trong thời gian chờ các Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực thi hành thì cần thiết rà soát, sửa đổi một số quy định dưới luật theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định và sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc trong thị trường bất động sản nhưng phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành”, ông Lê Hoàng Châu đề xuất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *