Sự phát triển của thị trường BĐS phụ thuộc vào mức độ mở của room tín dụng

Sự phát triển của thị trường BĐS phụ thuộc vào mức độ mở của room tín dụng
Sự phát triển của thị trường BĐS phụ thuộc vào mức độ mở của room tín dụng
Mức độ mở room tín dụng là yếu tố quyết định đến sự phát triển của thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Phan Anh

Cơn khát vốn của thị trường

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết điều tiết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản bất động sản sụt giảm, thể hiện rõ qua lượng quan tâm của người mua chịu ảnh hưởng nặng trong quý vừa qua. “Nhu cầu tìm kiếm bất động sản trên cả nước có xu hướng giảm trong 3 tháng qua, lượt tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9, đất nền giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với quý 2/2022.

Thanh khoản thị trường đi xuống dưới tác động từ siết dòng tín dụng, thậm chí xuất hiện nhiều tình trạng nhà đầu tư phải bán tháo, cắt lỗ trong giao dịch sang nhượng thứ cấp vì ngộp vốn. Quý 4/2022 thường là mùa cao điểm với bất động sản nhưng trước diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa, tâm lý tiêu dùng yếu, rất khó phán đoán thanh khoản của thị trường thời điểm cuối năm”, ông Quốc Anh nhìn nhận.

Giới chuyên gia nhận định tình trạng khát vốn của chủ đầu tư đã diễn ra từ đầu năm tới nay khi ngân hàng có động thái kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & phát triển DKRA Việt Nam nhận định việc kiểm soát tín dụng cũng như siết chặt các quy định tiếp cận vốn bằng kênh trái phiếu khiến thị trường địa ốc rơi vào cơn khát vốn nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đã và đang bị cạn vốn. “Việc ngân hàng tăng lãi suất làm cho sức cầu thị trường giảm mạnh, hiện tượng cắt lỗ đã xảy ra, nhiều nhà đầu tư vẫn đang bị mắc kẹt trong giỏ hàng của mình vì không thể thanh khoản. Vì vậy thị trường có thể vào trạng thái rơi tự do nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời”, ông Thắng cho hay.

Đáng nói, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm tới được giới chuyên gia đánh giá sẽ còn nhiều khó khăn, lượng lớn trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023-2024. Doanh nghiệp bất động sản đang trải qua giai đoạn thanh lọc về cả số lượng và chất lượng.

Không chỉ doanh nghiệp khát vốn, nhà đầu tư cũng khó khăn hơn khi muốn tiếp cận dòng tiền tài chính từ ngân hàng. Chia sẻ với PV Lao Động, anh Nguyễn Mạnh Dũng – nhân viên một đơn vị môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết hiện nay, lượng khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư nhà đất đang giảm mạnh, thậm chí không còn. “Trước đây, tôi có khá nhiều khách hàng vay vốn để đầu tư, tuy nhiên hiện tại hầu như không còn. Việc vay vốn đã khó, lãi suất ngân hàng tăng cao kèm theo những cơn sốt đất bị dập tắt, thông tin về thuế bất động sản thứ 2 và các chính sách khác đang khiến nhà đầu tư dần thận trọng hơn”.

Thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ mở của room tín dụng?

Thực tế ngay từ ngày 7.9, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới hạn mức room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Tuy nhiên dòng vốn này dành cho thị trường được đánh giá là vẫn còn rất ít, không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường, dẫn đến khó khăn của thị trường địa ốc vẫn tiếp tục kéo dài.

Đến giữa tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác nhằm giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp và một số địa phương trong việc thực hiện các dự án bất động sản. Mới đây, thị trường tiếp tục đón nhận tin vui khi từ ngày 5.12, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 – 2%.

“Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại cũng phải bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này. Mức tăng 1,5 – 2% tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đánh giá, việc tăng cung tín dụng cho nền kinh tế, sản xuất kinh doanh, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà là giải pháp tác động lan tỏa nhanh, hiệu quả.

“Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực đến thị trường trái phiếu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, làm giảm bớt áp lực cho tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế”.

Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh miền Bắc của Batdongsan.com.vn cho rằng sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ mở của room tín dụng, sự thay đổi về mặt chính sách.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *