Quảng Ninh: Sai phạm tại dự án sản xuất giống nhuyễn thể, trách nhiệm của ai?

Ngày 5/12, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, các đơn vị đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn.

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ nhiều sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (Ảnh: Lã Tiến)

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ nhiều sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (Ảnh: Lã Tiến)

Trước đó, ngày 17/10/2022, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kết luận thanh tra liên quan tới Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nhuyễn thể tập trung Vân Đồn sau khi hoàn thành đầu tư phần hạ tầng dùng chung phải đắp chiếu kéo dài.

Thanh tra tỉnh chỉ rõ nhiều sai phạm

Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, Dự án vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn (đảo Cỏ Ngoài, xã Vạn Yên) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2011 với tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2012-2016.

Đến năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có quyết định điều chỉnh dự án với thời gian thực hiện từ 2015-2019, tổng mức đầu tư còn hơn 213 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương hơn 115 tỷ đồng, vốn địa phương hơn 38 tỷ đồng, còn lại hơn 59 tỷ đồng là nguồn vốn khác.

Dự án vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn có tổng diện tích 300ha mặt nước vịnh Bái Tử Long và 7,6ha mặt đất trên đảo.

Giữa năm 2016, dự án vùng sản xuất giống nhuyễn thể do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng.

Sau 3 năm xây dựng, tháng 6/2019, các hạng mục thuộc phần hạ tầng dùng chung như tuyến kè biển, san lấp, hệ thống giao thông kho bãi, hệ thống cấp điện nước, hệ thống thoát nước và xử lý rác, nạo vét luồng tàu, phao tiêu, nhà điều hành… với tổng kinh phí hơn 136 tỷ đồng vốn ngân sách đã hoàn thành.

Sau 3 năm xây dựng, dự án còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư nên chưa thể đưa vào hoạt động (Ảnh: Lã Tiến)

Sau 3 năm xây dựng, dự án còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư nên chưa thể đưa vào hoạt động (Ảnh: Lã Tiến)

Do đây là dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư nên ngoài phần hạ tầng dùng chung còn phải tiếp tục đầu tư 7 hạng mục khác bằng vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, tới nay các hạng mục còn lại chưa được đầu tư nên dự án chưa thể hoạt động.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư căn cứ theo Quyết định 2194/QĐ-TTg (ngày 25/12/2009) của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa không quá 50% đối với 3 hạng mục giao thông, thủy lợi và xử lý chất thải.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh này báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mức hỗ trợ xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng bằng 100% ngân sách là chưa đúng quy định.

Dự án có quy mô sử dụng đất hơn 300 ha thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long nhưng tới nay mới có 7,6 ha đảo Cỏ Ngoài được đưa ra khỏi ranh giới, còn 300 ha mặt nước vẫn chưa được loại ra khỏi Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Thời điểm tháng 6/2016, khi chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh khởi công dự án, dự án chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra quyết định giao đất, chưa được bàn giao đất tại thực địa. Phải tới 17/10/2919 mới có quyết định giao đất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh không lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định, khi triển khai xây dựng trên thực địa không đúng quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt.

Sau khi dự án hoàn thành, tháng 10/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã nhận bàn giao, quản lý các hạng mục hạ tầng dùng chung này.

Dự án đã được phê duyệt quyết toán 136,56 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 101,34 tỷ đồng, địa phương 35,22 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng, 3 gói thầu 09, 11 và 13 nhà thầu và chủ đầu tư quyết toán chưa chính xác 761 triệu đồng cần thu hồi.

Đặc biệt, gói thầu số 09, phần nạo vét lẽ ra chất thải phải phải được đổ vào dự án khu dân cư đô thị Ocean Park (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) nhưng nhà thầu đã đổ vào vị trí khác.

Chi phí đổ thải tại vị trí này giảm 910 triệu đồng so với vị trí được phê duyệt. Nên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và nhà thầu đã phải nộp 910 triệu chênh lệch này vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra để khắc phục.

Đang làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân

Ông Nguyễn Minh Sơn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, Sở này đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo kết luận thanh tra, Đảng ủy khối cũng đã giao Đảng ủy sở tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Sở sẽ mời những cán bộ liên quan kể cả đã nghỉ hay chuyển cơ quan khác về để kiểm điểm xác định trách nhiệm, việc này sẽ hoàn thành trước 30/11.

Tuy nhiên, đến nay các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện dự án.

Ông Sơn cho biết, để dự án tiếp tục được triển khai thì phải báo cáo Thủ tướng để đưa phần diện tích mặt nước khoảng 300 ha còn lại của dự án ra khỏi ranh giới Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm tại dự án (Ảnh: Lã Tiến)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm tại dự án (Ảnh: Lã Tiến)

Theo ông Sơn, sau khi họp bàn, Sở và các sở ngành liên quan đã thống nhất có 2 phương án tiếp tục triển khai dự án phù hợp với quy định của pháp luật.

Phương án 1 là lựa chọn doanh nghiệp thực hiện theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tối đa không quá 50% giá trị hạ tầng ba hạng mục giao thông, thủy lợi và xử lý chất thải.

Phương án 2 là lựa chọn Nhà nước đầu tư 100% dự án, giao cho đơn vị thuộc nhà nước quản lý, sử dụng.

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng phương án 1 khả thi hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án 1 lựa chọn nhà đầu tư thì doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ 50% giá trị 3 hạng mục, sau khi trừ đi phần hỗ trợ này, doanh nghiệp phải hoàn trả số tiền còn lại trong tổng số 136,56 tỷ đồng đã đầu tư bằng vốn ngân sách.

Vì thế, việc lựa chọn nhà đầu tư bị đánh giá sẽ khó có khả năng thực hiện được.

Trong trường hợp không thực hiện lựa chọn được nhà đầu tư thì thực hiện theo phương án 2, Nhà nước sẽ đầu tư hoàn thiện phần hạ tầng sau đó giao cho đơn vị nhà nước như Trung tâm khuyến nông quản lý, vận hành.

Đơn vị này có thể thực hiện các hợp đồng liên doanh liên kết để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đưa vùng sản xuất nhuyễn thể này vào hoạt động phục vụ nhu cầu con giống rất cấp thiết tại khu vực.

LÃ TIẾN

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *