USD biến động thất thường, vàng suy yếu

Đồng USD biến động thất thường trong ngày thứ Tư (28/12) – tăng mạnh so với yen Nhật nhưng lại giảm so với bảng Anh khi nền kinh tế Anh mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 28/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,211% xuống 103,980.

Cách đây 2 tuần, DXY đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng, là 103,44, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, kể từ đó, quan chức của Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, đã nhấn mạnh rằng việc thắt chặt chính sách sẽ kéo dài với lãi suất cuối kỳ sẽ cao hơn mức thị trường dự đoán, làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại. Đồng bảng Anh đã tăng 0,63% so với USD trong phiên vừa qua, đạt 1,211 USD/GBP, mức tăng trong một ngày mạnh nhất trong vòng 2 tuần khi thị trường Anh mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần dài.

Đồng bảng Anh đã không được giao dịch kể từ thứ Sáu tuần trước (23/12), chịu áp lực bởi hiện tượng bán tháo trái phiếu chính phủ trên toàn cầu trong phiên liền trước đó, yếu tố đẩy lợi suất trái phiếu của Anh tăng và tác động tích cực lan truyền tới bảng Anh.

Trong phiên vừa qua, đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất trong 1 tuần so với yen Nhật do lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt và nhà đầu tư kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ hồi phục khi những biện pháp kiềm chế COVID-19 được nới lỏng.

USD đã tăng 0,67% so với yen Nhật trong phiên vừa qua có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 12, 134,4 JPY/USD, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đẩy tỷ giá cặp tiền này giảm xuống bằng việc bất ngờ nới lỏng biên độ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Động thái đó đã khiến đồng yen có một phiên tăng giá mạnh nhất trong vòng 24 năm so với USD.

Lúc kết thúc ngày 28/12 theo giờ Việt Nam, USD vẫn tăng 0,21% so với yen Nhật, chốt ở mức 133,785.

USD biến động thất thường, vàng suy yếu - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Những thông tin sơ bộ về cuộc họp của các lãnh đạo Nhật Bản cho thấy các nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc tiếp tục chính sách siêu hỗ trợ, ngay cả khi họ thảo luận về triển vọng cải thiện tăng trưởng tiền lương và lạm phát dự kiến sẽ còn kéo dài vào năm tới.

Osamu Takashima, người phụ trách mảng chiến lược của G10 FX tại Citigroup Global Markets Japan, cho biết: “Về cơ bản, điều đó đã xác nhận rằng sự ngạc nhiên đến từ động thái của BOJ từ tuần trước chỉ xảy ra một lần, nhưng từ quan điểm dài hạn thì không ai tin vào điều đó”.

Greg Anderson, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu của BMO Capital Markets ở New York, cho biết nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản vẫn ổn định, có thể sẽ không có thêm áp lực nào buộc BOJ phải “tiến thêm một bước nữa”.

Một động thái thúc đẩy thị trường trong tuần cuối cùng của năm là việc Trung Quốc nhanh chóng dỡ bỏ các chính sách hạn chế nghiêm ngặt chống COVID – vốn đã cản trở nghiêm trọng nền kinh tế của nước này trong gần ba năm.

Đồng rúp suy yếu mạnh, xuống mốc 72 so với đồng đô la, do các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga và tác động có thể xảy ra của chúng đối với doanh thu xuất khẩu – gây áp lực lên đồng tiền của Nga.

Đồng rúp đã mất giá khoảng 8% so với đồng đô la vào tuần trước và đang trên đà giảm mạnh sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ và trần giá có hiệu lực. Bộ tài chính Nga cho biết sự sụt giảm gần đây có liên quan đến việc phục hồi nhập khẩu.

Các nhà đầu tư đang phải điều chỉnh sự phục hồi hoạt động kinh tế khi người tiêu dùng và doanh nghiệp của Trung Quốc trở lại hoạt động bình thường, đồng thời đối phó với tác động của sự gia tăng số ca nhiễm mới.

Nhà phân tích David Cottle của DailyFX cho biết: “Với mức độ lây nhiễm lên tới hàng nghìn người mỗi ngày, không có gì ngạc nhiên khi phản ứng với COVID của Trung Quốc sẽ là vấn đề đứng đầu danh sách các mối lo ngại của nhiều nhà phân tích trong năm 2023”.

Đồng euro phiên vừa qua tăng 0,16% lên 1,06580 USD, giao dịch ổn định quanh mức cao nhất 6 tháng trong vài tuần kể từ khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng việc tăng lãi suất sẽ cần phải tiếp tục.

Đồng đô la Úc tăng 1,00% so với đồng tiền Mỹ, đạt 0,680 USD, trong khi đô la New Zealand tăng 1,07% lên 0,634 đô la.

Giá vàng giảm trong phiên vừa qua, lùi khỏi mức cao nhất trong 6 tháng của phiên trước do hoạt động chốt lời ngắn hạn khi thị trường tìm kiếm động lực mới, đồng thời lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng đô la cùng giảm hạn chế thua lỗ.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.801,75 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 giảm xuống còn 1.812,00 USD.

Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, cho biết: “Bạn đang chứng kiến một đợt điều chỉnh giảm, một số nhà giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn sẽ chốt lời. Đây chủ yếu là giao dịch kỹ thuật cộng với việc thiếu tin tức cơ bản mới trong tuần nghỉ lễ này”.

Giá vàng đã tăng khoảng 200 đô la từ mức thấp nhất trong hơn hai năm, đạt được vào tháng 9, với kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi.

Tham khảo: Reuters, Coindesk

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *