TP.HCM: “Bom nổ chậm” lưu cữu trong khu dân cư

Các cơ sở, nhà máy sản xuất trong khu dân cư đô thị được ví như “quả bom nổ chậm”, nhưng việc di chuyển hàng ngàn cơ sở, nhà máy nói trên tại TP.HCM từ lâu vẫn giậm chân tại chỗ.

TP.HCM: “Bom nổ chậm” lưu cữu trong khu dân cư


Người dân yêu cầu di dời Nhà máy Giấy Xuân Đức



Từ ô nhiễm môi trường…




Cuối tháng 5/2019 vừa qua, các hộ dân trên đường Thủy Lợi, phường Phước Long, quận 9, TP.HCM đã tập trung treo băng rôn phản đối và yêu cầu một nhà máy giấy phải có giải pháp xử lý những vấn đề ô nhiễm trong khu vực.

Cụ thể, nhà máy của Công ty cổ phần Giấy Xuân Đức nằm ở cuối đường Thủy Lợi, giữa khu dân cư, thường xuyên xả khói đen, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Mặc dù cư dân liên tục khiếu nại và phản ánh, nhưng tình hình cũng chẳng mấy thay đổi, nên nhiều gia đình đã phải bán nhà đi nơi khác.

Chị Mến, một cư dân đang sinh sống trong chung cư gần đó cho biết, chị chọn mua nhà hướng Tây Bắc để mỗi chiều có thể ngắm nhìn hoàng hôn. Nhưng từ khi dọn về đây ở, những gì chị nhìn thấy chỉ là những ống xả khói cao ngút của nhà máy giấy.

Đồng thời, tiếng ồn do máy quạt và máy hút giấy vụn gây ra khiến chị khó có được những phút nghỉ ngơi yên tĩnh và bầu không khí trong lành. Chưa kể, bụi từ nhà máy giấy do lò đốt than khiến muội bám đầy vào nhà và các vật dụng bên ngoài.

Trước tình trạng trên, UBND quận 9 đã nhiều lần kiến nghị Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đưa Nhà máy Giấy Xuân Đức vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo quy định và cần phải di dời sớm. Tuy nhiên, công ty này vẫn đề nghị được hoạt động sản xuất 24/24 từ nay đến hết quý I/2020 để cung cấp sản phẩm cho kịp tiến độ các hợp đồng đã ký.

Chung cảnh ngộ, nhiều người dân sống ở Chung cư Tecco Green Nest trên đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã phải sống chung với khói bụi, ô nhiễm không khí suốt nhiều năm qua.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm này xuất phát từ các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân nằm xung quanh khu dân cư. Tình trạng ô nhiễm kéo dài khiến người dân ở đây lo ngại cho sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Trước đó, vấn đề đã nhiều lần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa giải quyết thỏa đáng.


… đến mất an toàn cháy nổ

Điều có thể dễ dàng nhận thấy là những cơ sở, nhà máy sản xuất này đều nằm xen cài trong khu dân cư nên không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC), từ tháng 7/2014 – 7/2018, trên cả nước đã xảy ra 1.138 vụ cháy tại các cơ sở là nhà xưởng sản xuất, làm chết 39 người, bị thương 153 người, thiệt hại ước tính 2.452 tỷ đồng. Còn đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đã xảy ra 159 vụ cháy, làm chết 36 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản ước tính 57 tỷ đồng.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, nguyên Cục trưởng Cục PCCC cho biết, tình hình cháy nổ đối với những cơ sở sản xuất, nhà ở kết hợp kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Công tác triển khai đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở này vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

Đơn cử như các nhà xưởng sản xuất đều có quy mô diện tích lớn, nhiều máy móc, thiết bị điện và vật liệu dễ cháy. Chưa kể, các nhà xưởng sản xuất được thiết kế xây dựng chưa chuẩn nên việc trang bị hệ thống báo cháy tự động còn nhiều khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hơn nữa, do đặc thù của các nhà xưởng thường nằm xen kẹt giữa khu dân cư nên việc triển khai các phương tiện chữa cháy cũng gặp cản trở vì giao thông chật hẹp, kết cấu hầu hết là nhà liền nhau nên việc phá dỡ công trình gặp nhiều khó khăn, nguồn nước chữa cháy tại khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu…

Đồng quan điểm, Đại tá, PGS.TS Đào Hữu Dân, nguyên Trưởng phòng Xây dựng lực lượng, Đại học PCCC cho biết, PCCC trong khu dân cư đang là vấn đề nóng không chỉ đối với hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất – kinh doanh mà còn đối với các loại hình cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư.

Bởi đối với mỗi vụ cháy nhà dân trong các khu dân cư hoặc các cơ sở nhà xưởng, nằm trong khu dân cư thì vấn đề khó khăn nhất chính là đường xá không bảo đảm cho xe chữa cháy và cán bộ, chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh nhất. Mặt khác, nhiều hộ gia đình, nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ không có lối thoát nạn, nên khi xảy ra cháy, nạn nhân không thể thoát ra ngoài.

“Những lo lắng, bất an của các hộ gia đình cạnh các xưởng sản xuất, kho bãi là điều thực tế. Theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, khi xây dựng các nhà xưởng phải đảm bảo khoảng cách an toàn đến các nhà ở xung quanh. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan mà khoảng cách đó hầu hết không bảo đảm theo quy định”, Đại tá Dân nói và cho biết thêm, sự tồn tại các nhà xưởng, kho bãi xen cài trong khu dân cư có những nguyên nhân do lịch sử để lại, có nguyên nhân do sự phát triển kinh tế – xã hội không có quy hoạch. Những cơ sở trước nằm xa khu dân cư nhưng sau đó lại bị nhà dân bao quanh, hoặc do các chủ đầu tư không biết hoặc cố tình phớt lờ những quy định về PCCC.


Nhưng khó di dời

Liên quan đến việc các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, cuối năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 6762 về kế hoạch di dời 10.000 cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, một cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho hay, việc di dời các cơ sở này rất phức tạp, liên quan nhiều đến địa điểm di dời mới… nên số lượng di dời thành công không nhiều.

Cụ thể, trong 2 năm 2017 – 2018, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đã phê duyệt 233 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường khoảng 10 hồ sơ; các dự án đều có đầu tư các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Đồng thời, Thành phố cũng tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào khu công nghiệp. Cụ thể, đến nay có 3/3 cơ sở tự di dời xong; 2/2 cơ sở đã thực hiện xong chuyển đổi ngành nghề khác; 11/16 cơ sở đã ngưng hoạt động hoàn toàn; còn 5 cơ sở chưa chấp hành di dời.

Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết, việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi biện pháp cưỡng chế hiện tại là khấu trừ tài khoản ngân hàng và kê biên tài sản. Biện pháp này chỉ phù hợp để cưỡng chế nộp phạt, chưa phù hợp để cưỡng chế buộc ngừng hoạt động khi các cơ sở gây ô nhiễm cũng như có nguy cơ cháy nổ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chánh văn phòng UBND quận 12 cho biết, trên địa bàn khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận (quận 12) hiện còn 21 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư có lịch sử tồn tại lâu đời. Quận đã tổ chức di dời được 17 cơ sở, còn 4 cơ sở vẫn hoạt động cầm chừng do vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật tại nơi xây dựng nhà máy mới.

Theo ông Hiệp, khó khăn của chính quyền địa phương là hiện nay không có quy định cấm hoạt động sản xuất trong khu dân cư, mà chỉ cấm một số ngành nghề trong danh sách cấm. Do đó, người dân muốn sản xuất chỉ cần xin cấp phép kinh doanh, sản xuất là được.

Đại tá Đào Hữu Dân cũng chia sẻ rằng, theo quy định của Hiến pháp, công dân có quyền sản xuất – kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Theo đó, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, lẻ, quy mô không lớn, pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, chẳng hạn không được đặt địa điểm tại các khu dân cư.