Thị trường bất động sản: Người bán tiếc, người mua chờ

Có thể thấy, những BĐS chào bán giảm giá ở giai đoạn này rơi vào các trường hợp “bất đắc dĩ”. Tâm lý giữ hàng, chờ lên giá vẫn chiếm số đông. Tuy vậy, khó khăn tài chính khiến nhiều người đành rao bán hạ giá vốn. Họ tìm cách ra hàng nhưng gần như không chấp nhận việc giảm giá sâu. Điều này đến từ tâm lý “tiếc nuối” ở phía người bán.

Trong khi với người mua thì dè chừng và đợi giá BĐS giảm thêm. Đó cũng là lý do cung – cầu khó gặp nhau ở giai đoạn này, khiến thanh khoản BĐS sụt giảm.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và phát triển Tập đoàn DKRA, đất nền thứ cấp giá đã giảm 15 – 25% so với đầu năm 2022 (đối với đất lẻ trong dân). Đất nền dự án cũng giảm từ 8 – 15%. Tại các dự án căn hộ, giá bán trên thị trường thứ cấp đã giảm từ 10 – 15% so với đầu năm. Trường hợp cá biệt do kẹt tiền phải bán giảm sâu đến 30% để thu hồi vốn. Dù mức giá đã giảm khá mạnh, nhưng thanh khoản ở thị trường thứ cấp sụt giảm so với đầu năm.

Thị trường bất động sản: Người bán tiếc, người mua chờ - Ảnh 1.

Khung cảnh mua bán công chứng nhộn đã lâu không xuất hiện trên thị trường BĐS. Ảnh: Bảo Anh

Các tài sản “ngộp” xuất hiện ở giai đoạn này có thể là căn hộ dự án, đất nền vùng ven, nhà riêng… Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, dù rao bán cắt lỗ nhưng thực tế mới chỉ là “cắt lãi”. Lý do, nhiều người vẫn tiếc tài sản. Một số trường hợp chỉ rao bán “dạo” để định giá sản phẩm, hoàn toàn chưa muốn ra hàng ngay mặc dù đã thấm khó khăn.

Mới đây, một nhà đầu tư tại khu Đông Tp.HCM rao bán nền đất giảm 150 triệu so với mặt bằng chung của thị trường. Tuy nhiên, khi có khách đến “chốt” thì nhà đầu tư không muốn bán giá đã rao, vì cho rằng bị “hớ”, phần tiếc sản phẩm. Sau đó khoảng hơn một tuần, nhà đầu tư này lại chào mức giá khác, giảm 80 triệu đồng/nền.

Trong bối cảnh dòng tiền bị siết chặt như hiện nay, người có tiền nhàn rỗi có xu hướng chờ đợi cơ hội hoặc gửi ngân hàng hưởng lãi suất. Trong khi người có nhu cầu mua thực khó tiếp cận vốn vay. Điều này khiến trạng thái “chờ” ngày càng lộ rõ trên thị trường BĐS.

Theo các chuyên gia, tình hình chỉ được cải thiện khi dòng vốn tín dụng được khơi thông, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt.

Hiện tại, thị trường BĐS đang ở giai đoạn nới lỏng tâm lý, đa phần đến từ các nhà đầu tư ôm hàng “lướt sóng” nhưng chưa ra được trước thời điểm “siết” tín dụng. Vì thế, tâm lý nôn nóng dần hiện rõ trong nhóm nhà đầu tư này.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng bán được như ý muốn. Không ít trường hợp nhà đầu tư dù “cắt lỗ” nhưng mãi vẫn không có người mua, đành phải giữ lại, chấp nhận chôn vốn, hoặc gồng lãi ngân hàng để chờ cơ hội khác.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đã rao bán BĐS để thu dòng tiền nhưng khi thấy thị trường ổn định lại thì “quay xe” ôm hàng chờ cơ hội bán ra với giá cao hơn. Phần lớn trường hợp này là các nhóm đầu tư “lướt sóng” ôm đất nền các tỉnh lân cận Tp.HCM. Khi thị trường BĐS yếu thanh khoản, họ muốn bán ra để không phải gồng lãi ngân hàng, có dòng tiền tái đầu tư chỗ khác nhưng lại tiếc vì giá bán không như kỳ vọng, vì thế họ tiếp tục chờ đến khi thị trường tốt hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, hiện tình trạng các nhà đầu tư kẹt tiền mặt, có tài sản nhưng không có tiền là không hiếm. Nhiều nhà đầu tư sở hữu khá nhiều BĐS nhưng dòng vốn liên tục xoay vòng. Khi gặp thị trường khó khăn, việc xoay vòng vốn vào BĐS bị khựng lại cũng là lúc nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục BĐS. Họ sẽ ưu tiên bán bớt tài sản để có dòng tiền.

Tuy vậy, các chuyên gia kì vọng, từ quý 2/2023 trở đi, tâm lý thị trường dần ổn lại. Thanh khoản BĐS có dấu hiệu phục hồi hơn năm 2022.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *