Ngoài dòng tiền, đây mới là yếu tố khiến thị trường bất động sản “ngủ đông”

Trong một hội thảo gần đây, chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng từ nội tại quốc gia và diễn biến chung của thế giới.

Theo đó, khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại trong năm 2023, nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch là từ 2,2 – 3%. Chính phủ Việt Nam tích cực áp dụng nhiều công cụ để tạo động lực tăng trưởng cũng sẽ là lực đẩy lớn cho diễn biến phục hồi nền kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như đẩy mạnh đầu tư công và cơ cấu, hoàn thiện thể chế pháp lý.

Những yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy bức tranh kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản năm 2023 nói riêng bước qua khó khăn.

Tuy nhiên năm tới đây, ông Cấn Văn Lực cho hay, thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức. Đó là việc hoạt động xuất khẩu và đầu tư bị thu hẹp, du lịch quốc tế hồi phục chậm; giải ngân chương trình phục hồi và đầu tư công còn chậm; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn… thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ có sự điều chỉnh mạnh và bài toán trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là một thách thức cần giải quyết.

Cùng đánh giá về tiềm năng thị trường bất động sản 2023, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, chỉ số GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5 – 8,2% cùng với CPI từ 3,8 – 4,2% cho thấy bức tranh chung duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập người dân ổn định. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 40%, còn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa đến 50%. Với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư thì thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội.

Mặc dù, thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng ông Quốc Anh cho rằng đang thiếu sự tự tin. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường.

Thực tế trên thị trường, sau các sự kiện tiêu cực diễn ra gần đây, tâm lý nhà đầu tư, khách hàng chuyển sang thế phòng thủ và mất dần niềm tin vào thị trường.

Một nhà đầu tư riêng lẻ tâm sự: “Với những dự án hình thành trong tương lai giảm giá khá sâu, có dự án đến 40%, tính ra đầu tư sẽ rất có lợi. Thế nhưng, do lo ngại về pháp lý, tiến độ hoàn thành bởi doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn như hiện nay nên tôi đã không đầu tư. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường. Do đó, chúng tôi chọn đứng ngoài quan sát, nghe ngóng hơn là nhảy vào “vũng bùn” lúc này”.

Chính tâm lý đó của nhiều khách hàng cá nhân, nhà đầu tư nên chủ đầu tư có tung nhiều ưu đãi lớn khách hàng cũng không mặn mà. Giao dịch trên thị trường ngày một ít đi, giá bất động sản giảm cục bộ, đặc biệt ở phân khúc đất nền tại các “điểm nóng” trước đến nay.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, niềm tin vào tiềm năng của thị trường phải được quan tâm và củng cố. “Nếu không giữ vững điều này tâm lý chung của thị trường sẽ tiếp tục thận trọng và thị trường sẽ càng khó có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, vừa qua trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã sử dụng rất những từ rất mạnh như: khẩn trương, làm ngay,… đây là tính quyết liệt tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đem đến những điểm sáng cho thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *