Xuất khẩu dự báo giảm nhiệt: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

“Đói” đơn hàng

Trong 2 năm qua, nhờ thị trường bất động sản ở Mỹ bùng nổ, nhu cầu gỗ nội thất tăng lên giúp xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang Mỹ tăng rất mạnh. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng chớp cơ hội mở rộng sản xuất, tìm kiếm khách hàng ở thị trường này.

Xuất khẩu dự báo giảm nhiệt: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì? - Ảnh 1.

Do tác động suy giảm thương mại toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo giảm nhiệt trong thời gian tới

Kết quả, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt khoảng 8-9 tỷ USD mỗi năm. Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ gỗ lớn nhất của Việt Nam (chiếm 60% thị phần). Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022, do lãi suất tăng cao, tình hình kinh doanh nhà ở Mỹ chững lại, khiến các DN xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu “ngấm đòn”.

Ông Vũ Tiến Thập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nội thất D-Furni cho biết, việc ngành địa ốc ở Mỹ đóng băng đang khiến lượng tồn kho của các nhà bán lẻ tăng rất mạnh. Điều này dẫn tới đơn hàng của DN gỗ Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng và tạm thời DN chưa có đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023.

“Vào thời điểm này mọi năm, hoạt động sản xuất của DN gỗ diễn ra hết sức nhộn nhịp do nhu cầu hoàn thiện, sửa chữa, trang trí nội thất tăng cao tại các thị trường chính. Thế nhưng, năm nay DN phải giảm bớt số công nhân và ngừng hoạt động một số dây chuyền, không khí làm việc rất ảm đạm”, ông Thập chia sẻ.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dù trong những tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và các sản phẩm tăng mạnh nhưng càng về cuối năm tình hình đảo chiều chóng mặt. Trong tháng 11, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chỉ đạt 1,1 tỷ USD (giảm 8,3% so với tháng 10 và giảm 14,6% so với tháng 11/2021). Mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ năm nay của ngành còn chật vật và dự báo năm tới sẽ còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và da giày cũng có dấu hiệu đi xuống. Trong tháng 9, xuất khẩu da giày chỉ đạt 2 tỷ USD (giảm 30% so với tháng 8). Trong tháng 10 và 11, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục sụt giảm. Các DN cho biết, hiện số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 cũng thấp hơn 25-50% so với quý 2 tương đương mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.HCM cho biết, hiện tại, sản lượng xuất khẩu của các DN trên địa bàn đã giảm ít nhất 30% so với lúc ổn định. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, châu Âu (chiếm khoảng 60-70% lượng da giày xuất khẩu của Việt Nam), nhiều đối tác đang ngưng nhập khẩu, vì lượng hàng tồn kho cao và chưa biết bao giờ đối tác đặt hàng trở lại. Các DN da giày đang phải sản xuất cầm chừng.

Đại diện Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9 vẫn ổn nhờ các hợp đồng được ký kết trước đó nhưng thực tế từ cuối tháng 7, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đã có dấu hiệu giảm và giảm liên tục đến nay, đặc biệt tại hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu.

Xuất khẩu dự báo “ngủ đông”

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 29 tỷ USD (giảm 4,4% so với tháng trước). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,4 tỷ USD (tăng 0,8%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,8 tỷ USD (giảm 5,4%). Đây là tháng đầu tiên trong vòng 2 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sụt giảm.

Trong 11 tháng, có 35 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm hơn 70%). Đáng chú ý, trong tháng này, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch sụt giảm so với tháng trước, điển hình như: Điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm…

Ngân hàng HSBC cũng vừa đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Kết quả cho thấy, số nhà quản trị mua hàng (PMI) thế giới đã liên tục giảm từ tháng 5/2021 và đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 năm nay (tức dưới mốc 50 điểm) với số lượng đơn hàng mới sụt giảm.

“Việt Nam đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu nên khó tránh khỏi những tác động khi thương mại toàn cầu chậm lại. Nói cách khác, giai đoạn xuất khẩu chững lại đã tới với Việt Nam”, HSBC nhận định.

Theo HSBC, kể từ tháng 9, có hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, với khoảng 90% phải giảm giờ làm. Nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử – vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, đơn hàng mới của mặt hàng này trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm nay. Ngoài ra, các mặt hàng truyền thống như dệt may và da giày, hay mặt hàng xuất khẩu trị giá cả chục tỷ USD mới nổi như các sản phẩm máy móc cũng bắt đầu đi xuống.

Tuy vậy, bất chấp những khó khăn bên ngoài, HSBC vẫn chỉ ra điểm sáng của kinh tế Việt Nam khi nhu cầu nội địa bùng nổ trở lại và đang hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế. Doanh thu bán lẻ trong tháng 11 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, thị trường lao động trong ngành du lịch đang phục hồi tốt khi Việt Nam đón khoảng 600.000 khách du lịch trong tháng 11.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, việc nhiều mặt hàng xuất khẩu đang tăng mạnh bỗng đột ngột giảm nhanh cho thấy tác động của lạm phát đã bắt đầu ngấm vào túi tiền của người dân tại các thị trường chủ lực. Với nền kinh tế có độ mở 200% (kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP), hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động không nhỏ.

Để duy trì hoạt động xuất khẩu thời gian tới, theo ông Phú các DN cần cập nhật tình hình nước nhập khẩu, nhu cầu người tiêu dùng để có kế hoạch sản xuất phù hợp; đồng thời không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…mà có thể chuyển hướng sang các thị trường ít chịu ảnh hưởng của lạm phát để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, trong bối cảnh này, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, thiết kế gói vay hỗ trợ cho DN xuất nhập khẩu; đồng thời tập trung hỗ trợ DN để khai thác tốt các FTA đã ký kết, giúp các DN lách qua khe cửa hẹp.

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 674 tỷ USD (tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342 tỷ USD (tăng 13,4%); nhập khẩu ước đạt 331,6 tỷ USD (tăng 10,1%). Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *