Vượt qua Big4, một ngân hàng tư nhân chính thức có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống

Vượt qua Big4, một ngân hàng tư nhân chính thức có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống
  • 07-12-2022 Ngân hàng ầm ầm tuyển dụng nhân sự dịp cuối năm, cơ hội cho ứng viên có còn…
  • 07-12-2022 Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA gửi hàng trăm nghìn tỷ tại ngân…
  • 07-12-2022 Xét xử vụ 17 nhân viên ngân hàng tiếp tay cho nữ siêu lừa chiếm đoạt 430 tỉ đồng

Ngày 28/11/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Quyết định về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, vốn điều lệ trong Giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank được sửa đổi thành hơn 67.434 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ trên, VPBank đã chính thức trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, bỏ xa 3 ông lớn quốc doanh là BIDV (50.585 tỷ đồng), VietinBank (48.058 tỷ đồng), Vietcombank (47.325 tỷ đồng) và Agribank (34.351 tỷ đồng).

Trước đó, NHNN đã chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Cụ thể, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.

Sau khi được NHNN chấp thuận, VPBank đã chốt danh sách cổ đông vào là ngày 29/9/2022 để phát hành thêm hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1 (sở hữu 2 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận chưa phân phối của VPBank tính đến cuối quý III đạt hơn 38.375 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của VPBank đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9, đạt 102,36 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cuối năm 2021. Với con số trên, VPBank là đứng thư 4 trong số những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, sau Vietcombank, Techcombank và VietinBank.

Mới đây, VPBank cũng đã phát hành 30 triệu cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương với 0,675% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Cổ phiếu quỹ được bán cho cán bộ nhân viên sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa ba năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành là 16/8/2022.

Cụ thể, kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, sau một năm sẽ giải toả 30% số cổ phần; sau hai năm sẽ giải toả tiếp 35% số cổ phần và sau ba năm sẽ giải toả 35% số cổ phần còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.

Mức giá phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Ngân hàng sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại ngay khi có sự chấp thuận của NHNN và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Quang Hưng

Nhịp sống thị trường

Chia sẻ

Từ Khóa:
ngân hàng tư nhân, vốn điều lệ, chia cổ tức, ngân hàng nhà nước, tăng vốn điều lệ

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *