Vũng Tàu: Sai phạm hiển hiện tại 8 dự án nhà ở khu vực Bến Đình”Bà Rịa – Vũng Tàu: Sai phạm hiển hiện tại 8 dự án nhà ở khu vực Bến Đình

Dùng ngân sách làm thay chủ đầu tư, không tuân thủ quy hoạch, trốn tránh đầu tư hệ thống hạ tầng, trì hoãn thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất… là những sai phạm tại 8 dự án nhà ở thuộc khu vực kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu), đã được Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) kết luận và công bố mới đây.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sai phạm hiển hiện tại 8 dự án nhà ở khu vực Bến Đình


Tại 8 dự án nhà ở thuộc khu vực kênh Bến Đình, hầu hết các lô đất đã được chuyển nhượng, nhiều căn nhà chưa được xây dựng.


Sốt sắng dùng ngân sách làm thay chủ đầu tư

Thanh tra tỉnh BRVT vừa công bố Kết luận thanh tra số 289/KL-TTr về việc thanh tra toàn diện đối với 8 dự án nhà ở trong khu vực kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu).

8 dự án này có quy mô diện tích khoảng 28,7 ha, phân thành 1.410 lô đất ở, 1 chung cư cao tầng, 4 nhà trẻ, 1 trường học, 6 khu công viên cây xanh, 6 công trình dịch vụ công cộng, 1 trụ sở khu phố, 1 trạm xử lý nước thải, ngoài ra là đất giao thông.

Theo Thanh tra tỉnh BRVT, nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật của các dự án chưa thực hiện thủ tục bàn giao (như hệ thống cấp/thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, đường, vỉa hè), nhưng trên thực tế, một số hạng mục đã được các cơ quan chức năng quản lý, vận hành.

Riêng Dự án Khu nhà ở và dịch vụ Bến Đình, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Sao Mai đã có đề nghị bàn giao toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và UBND tỉnh BRVT đã giao Sở Giao thông – Vận tải thực hiện từ năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa lập thủ tục bàn giao.

Lý do là, chất lượng công trình giao thông của Khu dân cư dịch vụ Bến Đình không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nên sở này không nhận bàn giao.

Dù thủ tục bàn giao chưa hoàn tất, nhưng UBND TP. Vũng Tàu đã quản lý và dùng ngân sách nâng cấp, cải tạo lại một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật (tại Dự án Khu nhà ở Decoimex, Dự án Khu nhà ở Bến Đình 3 và Dự án Khu nhà ở Bến Đình 3B).

Về vấn đề này, ngày 18/11/2019, giải trình với cơ quan thanh tra, đại diện UBND TP. Vũng Tàu cho biết, công trình “bị xuống cấp, bà con, cử tri có ý kiến, nên Thành phố cho nâng cấp lại để phục vụ cho người dân đang sinh sống khu vực này”.

Trong khi, ngay cạnh đó có một số hạng mục trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Đại An đã được bàn giao, bị xuống cấp, cử tri đã kiến nghị cải tạo, sửa chữa từ nhiều năm nay, nhưng cơ quan chức năng lại không thực hiện.


Phân lô, bán nền thì nhanh, làm nhà trẻ thì… lách

Theo Kết luận thanh tra số 289/KL-TTr, tại 8 dự án tiến hành thanh tra, đến nay vẫn còn nhiều hạng mục hạ tầng công cộng bỏ hoang, dù lô nền nhà ở đã bán từ lâu.

Đáng lưu ý, tại Dự án Khu nhà ở Decoimex (do Công ty TNHH MTV Sản xuất – Xuất nhập khẩu dịch vụ và Phát triển nông thôn – Decoimex làm chủ đầu tư) có quy hoạch nhà trẻ (diện tích 674 m2) và nhà dịch vụ (diện tích 463 m2).

Xin điều chỉnh chức năng hai khu vực này sang xây dựng nhà ở từ năm 2007, nhưng chưa được UBND TP. Vũng Tàu phê duyệt, song Decoimex đã xây dựng trái phép một số công trình nhà ở tại đây.

Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh BRVT đã kiểm tra, phát hiện và buộc Decoimex khôi phục lại tình trạng ban đầu từ năm 2006, song đến thời điểm thanh tra năm 2019, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.

Tương tự, tại Dự án Khu nhà ở Đại An (do Công ty CP Xuất nhập khẩu Đầu tư tổng hợp và Hợp tác quốc tế – Gelexim làm chủ đầu tư), nhiều hạng mục theo quy hoạch như nhà trẻ (6.313 m2); hạ tầng kỹ thuật tại Lô P và M4 cũng chưa được xây dựng.

Đáng lưu ý, dù chưa xây dựng, nhưng hạng mục nhà trẻ đã được chủ đầu tư “bàn giao” cho UBND TP. Vũng Tàu “quản lý, sử dụng”.

Đối với Dự án Khu tái định cư Bến Đình (Công ty CP Phát triển nhà BRVT – Hodeco làm chủ đầu tư), theo Quyết định số 563/QĐ-TTg ngày 11/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi và giao đất cho Hodeco, với diện tích đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ), sau khi xây dựng xong các công trình theo dự án được duyệt, Hodeco phải bàn giao lại cho UBND tỉnh BRVT để giao cơ quan chuyên ngành quản lý, khai thác.

Tuy nhiên, Thanh tra phát hiện, thay vì Hodeco, từ năm 2014, UBND TP. Vũng Tàu đã đầu tư xây dựng nơi đây thành Trường mầm non Sao Việt cơ sở 2.

Về nội dung này, Hodeco giải trình, đây là dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng (gồm cả hạ tầng nhà trẻ); còn việc xây dựng công trình kiến trúc trên phần đất quy hoạch nhà trẻ, thì Công ty không đầu tư, vì không thuộc nhiệm vụ theo quy hoạch.

Trong khi đó, đại diện UBND TP. Vũng Tàu lý giải, do khu đất là dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về lớp học cho các cháu ở lứa tuổi mầm non thuộc phường 6 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh BRVT nhiệm kỳ 2010 – 2015, bảo đảm tỷ lệ ra lớp đối với các cháu trong độ tuổi mầm non.

Do đó, UBND TP. Vũng Tàu đã có đề nghị và được UBND tỉnh BRVT cho phép xây dựng trường mầm non bằng nguồn vốn ngân sách.


Khu dự án nhà ở cao cấp nhưng… bị ngập nước

Từ kết quả đo đạc độ cao cốt nền các dự án trong diện thanh tra của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng vào tháng 1/2019, đối chiếu kết quả đo đạc tại thời điểm tháng 1/2017, Thanh tra tỉnh BRVT cho hay, hầu hết các cao độ nền tại 8 dự án đều lún xuống thấp hơn vài cen-ti-mét, lún nhiều hơn tại khu vực dọc kênh Bến Đình.

Cao độ nền tại các dự án ở các trục đường chính được đo đạc đều thấp hơn so với cao độ nền được phê duyệt của từng dự án.

Trong đó, dọc đường trục chính – đường Tôn Đức Thắng (dọc kênh Bến Đình), theo quy hoạch được duyệt, cao độ thấp nhất của các dự án là 2 m, nhưng qua đo đạc thực tế, đều thấp hơn 2 m (thấp nhất là 1,426 m).

Một trong những nguyên nhân chính được các chủ đầu tư nêu ra là do hiện tượng nước biển dâng.

Tuy nhiên, sau khi Đài Khí tượng thủy văn tỉnh BRVT phân tích, cung cấp dữ liệu liên quan, Thanh tra tỉnh BRVT cho rằng, chưa có cơ sở khẳng định nguyên nhân ngập nước là hoàn toàn do nước biển dâng, mà có thể do các nguyên nhân như: chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, hoặc không xử lý tốt trong quá trình xây dựng trên cốt nền yếu.

“Tất cả các nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, trước hết là thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện dự án”, Kết luận của Thanh tra tỉnh BRVT nêu rõ.


Trì hoãn thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất

Theo Thanh tra tỉnh BRVT, tại 8 dự án được thanh tra, hầu hết các lô đất đã được chuyển nhượng cho khách hàng.

Hiện có 29 hộ dân tại Dự án Khu nhà ở Đại An (do Gelexim làm chủ đầu tư) đang có kiến nghị, phản ánh về việc chưa được cấp sổ đỏ, mặc dù người dân đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn cho chủ đầu tư từ năm 2003, đa số đã xây dựng nhà ở ổn định trên đất.

Kiểm tra thực tế, Thanh tra tỉnh BRVT phát hiện, có 4 tuyến đường theo quy hoạch chưa được Gelexim đầu tư, gồm: đoạn từ lô P9 đến lô P14; đoạn từ lô P14 đến lô P22; đoạn từ lô M6 đến M15; đoạn dọc lô M15 và lô M16.

Các “hợp đồng hợp tác đầu tư” với 29 hộ dân thể hiện, Gelexim có trách nhiệm thi công hạ tầng hoàn chỉnh theo thiết kế được duyệt, nhưng đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa đầu tư một số công trình hạ tầng như đã nêu.

Từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Gelexim chưa liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh BRVT để thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất đối với 29 lô đất nêu trên.

Năm 2016, chủ đầu tư có đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BRVT xác nhận về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Sở đã tiến hành xác minh hiện trạng, nhưng Gelexim không ký biên bản kiểm tra hiện trạng, nên chưa xác nhận việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện chuyển nhượng.

“Nguyên nhân chính mà 29 hộ dân hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do chủ đầu tư trốn tránh không thực hiện đầu tư hoàn thiện những hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu vực đất để trì hoãn các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ dân”, Thanh tra tỉnh BRVT nhận định.

Đáng nói là, theo cơ quan chức năng, chủ đầu tư không hợp tác cung cấp thông tin, tài liệu cho Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tỉnh BRVT kiến nghị UBND tỉnh BRVT giao Công an tỉnh này xác minh làm rõ trách nhiệm pháp lý của Gelexim trong việc trốn tránh, không thực hiện đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn lại tại Dự án Khu nhà ở Đại An, gây thiệt hại về quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các hộ dân đã góp vốn cho Gelexim; làm rõ nguyên nhân không thực hiện được thủ tục cấp sổ đỏ cho dân.

Đồng thời, Thanh tra tỉnh BRVT kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành, địa phương về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tại khu vực kênh Bến Đình; UBND TP. Vũng Tàu kiểm điểm trách nhiệm về việc không có kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo lại công trình đã nhận bàn giao nhưng bị xuống cấp, trong khi đó, lại dùng ngân sách nâng cấp, cải tạo các công trình chưa được bàn giao.