Văn hóa golf và sự tụt hậu của giới golfer Việt

Tôi rất thích câu của một golfer nổi tiếng người nước ngoài: “Các tay golf lên sân không chỉ vì sức khỏe mà còn là để rèn luyện sự bình tĩnh và kiên nhẫn”.

Thật khó nói hết sự ưu việt của golf nhưng với người Việt, không phải ai ra sân cũng cảm nhận được tinh hoa của golf và cách thể hiện trên sân vẫn còn vô số sự bất cập. Đặc biệt là những cách ứng xử phi văn hóa, phi nhân văn của những golfer nửa mùa gây ồn ào dư luận.

Thời cổ đại, golf vốn là môn thể thao bình dân nhưng để khôi phục nó và biến nó thành môn thể thao hiện đại như ngày nay phải kể đến công lao của giới quý tộc. Cũng chính vì lý do đó, nên golf được coi là nơi tập trung của các tầng lớp tinh hoa và là môn thể thao thượng lưu. Golf được đánh giá cao bởi hàng loạt các quy tắc ứng xử lịch lãm xoay quanh nó.

Những phép ứng xử này có điều đã được luật hóa, có điều được quy định trong khuôn khổ câu lạc bộ. Dẫu được luật hóa hay chỉ là quy định nội bộ này được gọi chung là “Văn hóa golf”.

Văn hóa golf là sự tổng hợp của nhiều yếu tố và tính cách của con người. Golf không quá xa vời với cuộc sống đời thường nên văn hóa ứng xử trên sân golf cũng giống như trong đời thường, trước hết là theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, từ cách ăn mặc, giữ gìn cảnh quan trên sân, đến việc biết đưa ra những lời tán thưởng cho những cú đánh đẹp và động viên người khác khi người ấy đánh hỏng.

Một cuộc chơi golf thường diễn ra dựa vào sự chính trực của cá nhân đối với nhau và tuân theo luật golf, không cần có sự giám sát của trọng tài, vì vậy phong cách lịch thiệp đối với người khác là điều rất quan trọng ở trên sân.

Chúng ta không thể viện vào điệp khúc golf còn quá mới ở Việt Nam để bào chữa cho những hành vi và cách ứng xử không đúng mực của bất kỳ ai trên sân golf. Cho dù bạn có là một doanh nhân thành đạt, một chủ tịch tập đoàn hay một chính trị gia thì văn hóa golf vẫn là chuẩn mực không thể bỏ qua khi lên sân.

Dẫu bạn có từng giành được rất nhiều giải thưởng ở các trận đấu golf, nhưng nếu bạn không quan tâm đến luật golf, luật địa phương và những quy tắc xã giao trên sân golf thì bạn mãi mãi chỉ là một người chơi xấu xí, theo cách nói dân giã: “đội cá sấu”.

Dưới đây là những luật bất thành văn để các bạn suy ngẫm nếu muốn trở thành những người chơi golf thông minh, lịch sự.

Với caddy: Là người giúp việc cho golfer, gắn liền với hình ảnh những thảm cỏ xanh mướt chính là những caddy. Nhiệm vụ của họ là thầm lặng kéo xe trở bộ gậy nặng tầm 15kg đi theo các golfer chinh phục hết lỗ golf này đến lỗ golf khác. Công việc ấy tưởng chừng đơn giản nhưng cũng đòi hỏi đặc biệt về sức khỏe.

Các caddy phải thuộc địa hình sân, đoán được hướng gió, đoán khoảng cách từ bóng đến lỗ cờ, đọc line cho khách khi bóng trên green, nhìn hướng bóng để chỉ cho khách, hỗ trợ khách khi gặp tình huống bất ngờ… Vì thế, caddy đương nhiên trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của các golfer, đồng thời còn là người hướng dẫn họ. Xin lưu ý, Caddy là người giúp việc cho Golfer, chứ không phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thành tích của Golfer.

Đối với các caddy, không gì tuyệt vời hơn khi được đi cùng những vị khách luôn cởi mở và trân trọng sự phục vụ của họ trên sân. Đơn giản vì họ biết coi caddy là bạn bè, là người đồng hành không hề tỏ thái độ trịch thượng, chủ tớ.

Như đã nói ở trên, các tay golf lên sân không chỉ vì sức khỏe mà còn là để rèn luyện sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Nhưng trên thực tế, không ít trường hợp khi thua đã mất bình tĩnh không làm chủ được bản thân và trút mọi bực tức lên caddy.

Hình minh họa

Đặc biệt là trong các vòng đấu có “mùi tiền”, sự cay cú ăn thua khiến không ít golfer mất kiểm soát. Có vị chửi bới caddy chỉ vì đọc sai line, đưa ra những lời tư vấn không đúng trên green. Thêm vào đó là việc đếm gậy tính điểm. Một số golfer có tính “hay quên”, đặc biệt khi họ đánh bóng xuống nước hoặc những lỗi liên tiếp trong hố cát nên thường đếm thiếu gậy. Chẳng may gặp caddie thật thà đếm đúng liền bị golfer chửi mắng thậm tệ.

Trường hợp của Golfer Nguyễn Việt Dũng ở Quảng Nam vừa rồi không chỉ chửi mắng mà còn vung vậy nhằm thẳng vào caddie đến nỗi cô này phải nhập viện. Đây là một vết nhơ đối với những người chơi golf xứ Quảng nói riêng và với người Việt nói chung. Thật không sai khi nói rằng, so với thế giới, ASEAN vẫn là vùng trũng của golf. Trong ASEAN, Việt Nam vẫn là một trong những điểm trũng nhất của môn thể thao quý tộc này.

Điều đáng nói hơn là cùng với thành tích trong các giải đấu, Việt Nam còn là nước có nhiều vụ bê bối trên sân golf làm xấu đi hình ảnh cao thượng của một môn thể thao cao cấp.

Với bạn chơi: An toàn là quy tắc ứng xử đầu tiên mà các golfer phải lưu tâm. Quy tắc này không loại trừ bất kỳ ai bởi chẳng ai muốn người chơi nào bị chấn thương khi chơi golf. Vì vậy, bạn đừng swing nháp khi có người đứng ngay trước mặt, đừng swing khi có người đứng gần và cũng đừng đi thơ thẩn khi có người đang thực hiện cú swing.

Cú swing đòi hỏi sự tập trung cao độ nên giữ yên lặng khi chơi cũng là điều rất cần thiết. Điện thoại di động nên được chuyển sang chế độ rung hoặc tắt máy. Sân golf vốn rất yên tĩnh nên một câu nói to của ai đó cũng có thể làm ảnh hưởng đến người chơi ở lỗ golf kế cận. Một chút mất tập trung sẽ khiến golfer đẩy bóng hụt hoặc cú đánh không chuẩn xác.

Để giữ được tốc độ chơi trên sân, bạn cần lưu ý đánh nháp vừa phải, không nên nháp năm lần bảy lượt trước cú swing thật. Chỉ cần nhẩm tính: nếu một vòng bạn chơi 120 gậy, mà mỗi lần nháp tốn khoảng 30 giây thôi thì bạn đã kéo dài thời gian chơi của mình lên thêm một giờ!

Tốc độ chơi của nhóm đi trước có thể làm ảnh hưởng đến sự tập trung của nhóm đi sau vì nhóm đi sau bị mất nhiều thời gian chờ đợi. Hãy kiên trì chờ đợi, đừng bao giờ đánh bóng vào nhóm đi trước vì việc làm như vậy rất nguy hiểm, có thể còn gây ra tai nạn cho một golfer nào đó.

Chỉ khi nhóm đi trước đã ra khỏi tầm đánh bóng của bạn thì mới thực hiện cú swing. Nếu nhóm đi trước chơi quá chậm, bạn có thể đi tới và lịch sự xin được đánh trước. Trường hợp nhóm đi trước cố tình trì hoãn tốc độ thi đấu, bạn nên lưu ý với các nhân viên điều hành golf có mặt trên sân về tốc độ chơi của họ.

Ứng xử trên sân golf: Sau khi bạn thực hiện được cú đánh mạnh hoàn hảo, hậu quả để lại là một lỗ hổng trên mặt sân bởi một tảng cỏ đã bị chiếc gậy của bạn hất tung đi nơi khác. Thường sau mỗi cú đánh, ai cũng muốn tiến nhanh lên phía trước xem bóng của mình nằm ở đâu, có rơi vào bunker không…, nhưng trước tiên, đừng quên khắc phục hậu quả đã nếu có, trước khi rời khỏi vị trí.

Luật chơi golf không cho phép người chơi làm thay đổi bất cứ thứ gì hiện hữu trên sân, vì vậy bạn đừng dùng dao kéo để cắt xén những nhánh cây, ngọn cỏ trên sân khi cảm thấy chúng cản trở đường đánh của bạn.

Khi ở trên green, đinh giày của golfer có thể để lại những vết sẹo xấu xí trên những đám cỏ đã được chăm chút rất kỹ lưỡng. Vì vậy, bạn hãy đặt chân một cách thận trọng và bước đi nhẹ nhàng. Nếu sơ ý để giày làm tổn hại đến bề mặt green, cách hay nhất là mượn dụng cụ sửa green để khắc phục.

Nếu trái bóng của bạn làm biến đổi bề mặt green như divot làm hư hỏng mặt cỏ, bạn cần dùng dụng cụ sửa divot hoặc tee, cẩn thận nâng phần cỏ bị cắt lên rồi dùng gậy gạt đập nhẹ cho lớp cỏ nằm êm và phẳng trở lại. Khi thấy những vết divot do người chơi khác để lại, nếu thời gian cho phép, nên chịu khó sửa lại chúng. Đó là một hành động đẹp, được mọi người đánh giá cao.

Tôi đánh giá rất cao CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng đã có công văn kịp thời bày tỏ thái độ dứt khoát với golfer Nguyễn Viết Dũng khi ông này đã có hành vi ứng xử thiếu văn hóa trên sân golf. Mỗi người chơi golf không chỉ tự hoàn thiện về kỹ thuật mà quan trọng hơn thế là sự hoàn thiện về văn hóa golf, có như thế mới từng bước cải thiện thứ bậc của giới tinh hoa Việt. Mong lắm thay!

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *