Trả mặt bằng hàng loạt, 120 triệu vẫn không thuê nổi cửa hàng ở quận 1

Trao đổi với một môi giới cho thuê mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM), người này cho biết đợt này lại có thêm vài căn trống.

Khi biết nhu cầu muốn tìm một cửa hàng để kinh doanh thời trang, với giá tối đa 120 triệu đồng/tháng, người này nói ngay: “Vậy thì khó lắm. Dọc con đường này không có nhà nào dưới 140 triệu đồng/tháng. Ít nhất cũng phải 140-150 triệu/tháng thì may ra”.

Ngay sau đó, người đàn ông này giới thiệu một cửa hàng có chiều ngang rộng hơn 4m mặt tiền đường Lý Tự Trọng đoạn gần ngã tư giao Trương Định với giá 150 triệu đồng/tháng và khẳng định “đây là một trong những căn có giá tốt nhất ở thời điểm này”.

Phố thời trang, ẩm thực đồng loạt trả mặt bằng

Hai tháng trở lại đây, những con đường sầm uất ở quận 1 như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi… vốn được biết đến là khu vực có nhà phố cho thuê luôn được săn đón, bỗng bị bỏ không, treo biển cho thuê đồng loạt.

Trên đường Lý Tự Trọng, một nơi có 3 mặt bằng sát nhau với mặt tiền rộng 12m cũng được khách thuê trả lại trong tình trạng xập xệ, lộn xộn.

Tra mat bang hang loat, 120 trieu van khong thue noi cua hang o quan 1 hinh anh 1 matbang_zing16.JPG

Mặt bằng 12m mặt tiền trên đường Lý Tự Trọng. Ảnh:

Quỳnh Danh.

Nói với


Zing.vn

, người rao thuê cho biết đây từng được thuê làm cửa hàng trưng bày xe máy trong nhiều năm và mới bàn giao lại cho chủ thuê khoảng 1 tháng. Hiện chủ nhà cũng đang tìm khách thuê mới cho mặt bằng lớn này, tuy nhiên chỉ cho thuê cả 3 căn chứ không cho thuê lẻ. Giá thuê là

27.000 USD

/tháng.

Trên đường Nguyễn Trãi – nơi tập trung của hơn 200 cửa hiệu thời trang lớn nhỏ cũng diễn ra cảnh tương tự khi nhiều hộ kinh doanh đang phải xả hàng, cắt lỗ để trả lại mặt bằng. Các mặt bằng lớn trong khu vực cũng chịu cảnh đóng cửa, bên ngoài dán chằng chịt hàng chục số điện thoại khác nhau của người môi giới, tuy nhiên cũng không có mấy khách hỏi thuê.

Tại “thiên đường ăn uống” Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), các quán trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang…. kinh doanh lao dốc do ảnh hưởng của dịch covid-19 từ sau Tết Nguyên Đán tới nay đã dẫn đến việc nhiều nơi không thể cầm cự, phải “bỏ của chạy lấy người”.

Dù không thuộc khu vực trung tâm, nhưng giá thuê mặt bằng tại con đường này cũng tương đương giá thuê ở một số khu vực tại quận 1. Giá thuê nhà nguyên căn mặt tiền đường tại đây dao động 80-200 triệu đồng/tháng tùy diện tích và vị trí.

Mặc dù khách thuê trả mặt bằng hàng loạt, nhiều chủ nhà cho biết vẫn giữ nguyên mức giá thuê, chưa cần thiết phải giảm với lý do “đây là khu vực được nhiều người kinh doanh săn đón”.

Theo chuyên gia của Savills Vietnam, trong 10 năm qua, giá mặt bằng ở những khu vực này đã có bước nhảy vọt khá xa, tăng từ 100-200%. Nhu cầu kinh doanh ở các vị trí đắc địa cao nên những mặt bằng trung tâm như vậy luôn trong tình trạng khan hiếm. Mặt bằng chỉ trống khi giá thuê nhà đẩy lên quá cao mà khách thuê cũ không thể trả được nữa, hoặc một số thương hiệu thua lỗ và trả mặt bằng sớm trước thời hạn.

Mặt bằng cho thuê bị ‘ngáo giá’

Bình luận về hiện tượng mặt bằng kinh doanh trả lại hàng loạt, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh nhận định đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn của toàn thị trường.

Tra mat bang hang loat, 120 trieu van khong thue noi cua hang o quan 1 hinh anh 2 matbang_zing25.JPG

Nhiều cửa hàng phải giảm giá sâu, thanh lý để trả mặt bằng, cắt lỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại trong mùa dịch. Ảnh:

Quỳnh Danh.

“Theo chu kỳ phát triển, cứ 7-8 năm lại có một đợt thị trường đi xuống. Đây chính là thời điểm thị trường bất động sản xảy ra khó khăn. Tuy nhiên, không may là nó lại diễn ra cùng lúc với dịch Covid-19, đẩy cả thị trường vào giai đoạn khủng hoảng”, ông Phan Công Chánh nhận định và

cho rằng trong bối cảnh này, thị trường đã thấy được nhiều thông điệp đáng chú ý.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây giá thuê mặt bằng bán lẻ liên tục tăng, người thuê chưa từng có cơ hội và lợi thế để đàm phán về giá như hiện nay.

Ngoài ra, trong các hợp đồng thuê thường có mức điều chỉnh tăng giá theo thời hạn, thế nhưng nhiều chủ thuê đang bắt đầu hạ xuống mức giá thực tế hơn. Trước đó, trong thời điểm ngành bán lẻ phát Triển mạnh, nguồn cung mặt bằng ở khu vực trung tâm và những vị trí đắc địa trở nên khan hiếm, dẫn đến tình trạng “ngáo giá”, tăng giá tùy tiện.

Chính vì vậy, trong thời gian này các chủ thuê buộc phải tỉnh ngộ và cần xem đây là cơ hội để điều chính giá cho toàn thị trường, tránh để khách hàng phải gồng lên chi trả cho những chi phí không cần thiết của sản phẩm. Hiện tại, thực tế một số chủ mặt bằng cũng đang giảm giá thuê từ 20-30% để thích ứng, giữ chân khách thuê.

Bên cạnh đó, ông Chánh cũng cho rằng đây có thể xem là cơ hội để những người có tiềm lực tài chính tiếp cận với các mặt bằng tốt, giá hợp lý mà trước đây khó có thể thuê được.

“Chỉ cần vượt qua được giai đoạn khó khăn này, họ có thể đạt được nhiều lợi ích về sau, Tuy nhiên số lượng những đơn vị như thế này ít và bài toán tài chính cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng”, ông nói thêm.

TTTM tiên phong giảm giá thuê

Các cửa hàng F&B tại những khu vực trung tâm, đắc địa tại TP.HCM đang chi từ 30-40% doanh thu cho chi phí mặt bằng, trong khi con số này ở các nước khác trên thế giới chỉ từ 15-20%. Chính vì vậy có thể nói chi phí mặt bằng tại Việt Nam còn khá nặng nề.

Tra mat bang hang loat, 120 trieu van khong thue noi cua hang o quan 1 hinh anh 3 matbang_zing14.JPG

Chuyên gia nhận định chi phí mặt bằng tại TP.HCM hiện còn khá nặng nề so với các thị trường quốc tế. Ảnh:

Quỳnh Danh.

Khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại của các cửa hàng này là không có doanh thu hoặc doanh thu quá thấp, trong khi đó vẫn phải chi trả cho mặt bằng, nhân viên, nguyên liệu… Chính vì vậy, họ phải bỏ tiền túi ra để duy trì trong ngắn hạn hoặc chủ động ngừng kinh doanh để cắt lỗ, thu hồi vốn.

Trong khi đó, về phía chủ mặt bằng, cũng có nhiều người đã đi vay tiền để mua nhà rồi cho thuê lại, tạo ra tình cảnh tiến thoái lưỡng nan cho cả 2 bên.

“Đây là giai đoạn khó khăn của cả thị trường, không có ai là người được lợi. Điều cần làm lúc này là đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau để tồn tại, đảm bảo lợi ích về lâu dài”, một chuyên gia bất động sản lâu năm ở TP.HCM nói.

Bên cạnh giảm giá thuê, ông cũng cho rằng phía chủ thuê có thể giãn thời gian thanh toán, ví dụ hợp đồng thanh toán hàng tháng đổi thành 3-6 tháng/lần. Đồng thời có thể cơ cấu lại mức giá theo tình hình, ví dụ tạm thời giảm 50% giá thuê trong thời gian dịch bệnh, tuy nhiên sau khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường có thể bù lại số tiền tạm giảm trước đó vào tiền thuê hàng tháng.

Không chỉ các chủ mặt bằng nhà phố, nhiều ông lớn bất động sản sở hữu các TTTM như Hưng Thịnh, Vincom Retail đã có những động thái hỗ trợ khách thuê của mình.

Mới đây, tập đoàn Hưng Thịnh đã thông báo giảm 20-40% giá thuê tại 3 dự án TTTM ở TP.HCM và Vũng Tàu.

Vincom Retail cũng công bố dành

300 tỷ đồng

để hỗ trợ cho các đối tác thuê mặt bằng tại 79 TTTM để giảm bớt gánh nặng cho khách thuê trong dịch bệnh.

Một số TTTM khác dù không công bố, nhưng người kinh doanh tại đây cho biết đã có sự thỏa thuận song phương, và mức giảm giá của chủ đầu tư cũng khá linh hoạt, có nơi giảm tới 50% trong thời gian thị trường khó khăn.