TP.HCM đề xuất rà soát lại quy hoạch thủy lợi chống ngập úng

Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Theo Ủy ban Nhân dân TP.HCM, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 25/10/2008 (gọi tắt là quy hoạch 1547) với phạm vi quy hoạch chưa bao phủ toàn bộ địa bàn TP.HCM; các khu vực quận 2, 9, Thủ Đức và huyện Cần Giờ không nằm trong phạm vi quy hoạch.

Đồng thời, quy hoạch 1547 được lập cách đây đã lâu, hiện không còn phù hợp với thực tế, tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng và quy hoạch phát triển chung của thành phố.

Ngập nặng ở khu vực quận 1, TP.HCM do triều cường cuối tháng 9/2019. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Do đó, cần nghiên cứu, rà soát tổng thể quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM đảm bảo kết nối đồng bộ với quy hoạch tiêu thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.HCM để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố thời kỳ 2021 – 2030.

Trên cơ sở rà soát, thành phố đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo kết nối đồng bộ với quy hoạch tổng thể tiêu thoát nước nhằm khép kín toàn bộ hệ thống thoát nước, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho TP.HCM trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng hiện tại và trong tương lai.

Bên cạnh đó, quy hoạch cần phù hợp với quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện hơn 20 lần đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp 3 (1,5m); trong đó, đợt triều cường đầu tháng 10/2019 vừa qua, đỉnh triều trên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đã lập mức đỉnh lịch sử mới là 1,77m (vượt mức báo động 3 là 0,27m).

Ngoài ra, trong năm 2018, do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra mưa lớn, lượng mưa đo được tại Trạm Tân Sơn Hòa (gần sân bay Tân Sơn Nhất) là 401mm, làm ngập khoảng 102 tuyến đường, chiều sâu ngập 10cm đến 70cm.

Cùng với đó, hiện tượng sụt lún mặt đất trên địa bàn TP.HCM cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có nơi sụt lún tới hàng chục cen-ti-mét./.