TP.HCM: Tháo dỡ công trình sai phạm tại Quận 2

Thực hiện theo Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy TP.HCM, UBND quận 2 rất quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Công trình tại 504, 505 tờ bản đồ số 31 (P. Bình Trưng Đông, Q.2) do bà Nguyễn Mai Lan và ông Nguyễn Việt Cường làm chủ đầu tư, đã tổ chức thi công không đúng theo Giấy phép xây dựng số 73/GPXD ngày 8/2/2018 do UBND quận 2 cấp.

Công trình này đã từng bị Thanh tra sở Xây dựng TP.HCM ra Quyết định cưỡng chế, tuy nhiên chủ đầu tư chưa khắc phục và trả lại hiện trạng như Giấy phép xây dựng.

Thống kê, từ đầu năm đến nay có 619 trường hợp xây dựng sai phép, tăng 27% so với cùng kỳ; 616 công trình xây dựng không phép.

Theo Kế hoạch số 22/KH- QLĐT- QLTTĐT, số 23/KH- QLĐT-QLTTĐT ngày 8/4/2019 của phòng Quản lý đô thị quận 2 về thực hiện Quyết định cưỡng chế số 5743/QĐ-CCXP, số 5760/QĐCCXP ngày 14/12/2018 của Chủ tịch UBND TP.HCM và Kế hoạch 95/KH-UBND ngày 23/5/2019 của UBND phường Bình Trưng Đông về thực hiện Quyết định cưỡng chế số 2705/QĐ- CCCP ngày 28/12/2018, số 760/QĐ- CCXP ngày 4/04/2019 của Chánh Thanh tra sở Xây dựng TP.HCM, ngày 10/1/2019, UBND quận 2, Thanh tra sở Xây dựng TP.HCM, phòng quản lý đô thị quận 2, UBND, Công an phường Bình Trưng Đông đã phối hợp cùng một số cơ quan chức năng, tiến hành tháo dỡ công trình vi phạm tại 504, 505 tờ bản đồ số 31 (P.Bình Trưng Đông, Q.2). Cụ thể: phần công trình xây dựng vi phạm phát sinh tại tầng 2 là 97,9 m2, tầng 3 là 217 m2 tổng diện tích vi phạm là 315,1 m2.

Xe cứu thương có mặt tại hiện trường, đề phòng trường hợp xấu xảy ra.

Vì đã hết thời hạn cưỡng chế chủ công trình là bà Nguyễn Mai Lan, ông Nguyễn Việt Cường không tự nguyện chấp hành nên buộc UBND quận 2 phải có các biện pháp cứng rắn.

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình xây dựng 1 trệt 3 lầu với 64 phòng được thiết kế khép kín. Với mục đích cho sinh viên, người thu nhập thấp thuê làm nơi cư trú lâu dài.


Mỗi quận, huyện chọn ít nhất 2 công trình vi phạm cưỡng chế để làm gương




Mới đây, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo UBND các quận – huyện phải rà soát, tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm có tính chất/quy mô lớn, nghiêm trọng trên địa bàn. Trong đó, mỗi quận, huyện phải tổ chức cưỡng chế ít nhất 2 công trình.



Thống kê, từ đầu năm đến nay có 619 trường hợp xây dựng sai phép, tăng 27% so với cùng kỳ; 616 công trình xây dựng không phép.



Theo yêu cầu của chỉ thị số 23-CT/TU, các quận – huyện, phường – xã – thị trấn cần rà soát, lập danh sách các tổ chức cá nhân chuyên nghiệp đã triển khai xây dựng các công trình không phép, trái phép tại địa phương; các tổ chức, cá nhân môi giới bán các công trình không phép, sai phép trên địa bàn để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.



Đối với các đối tượng vừa qua đã xây dựng và môi giới bán các công trình xây dựng không phép, sai phép với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua và trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng và mua bán trái pháp luật, cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.