TP.HCM tăng hệ số điều chỉnh giá đất, tiệm cận thị trường

Ảnh minh họa

Tăng hệ số K

Kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra tuần qua đã thống nhất Tờ trình hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023 trên địa bàn thành phố với mức tăng 1,0 lần so với năm 2022.

Lý giải việc đề xuất tăng hệ số, UBND Thành phố cho biết, theo quy định, hàng năm UBND cấp tỉnh phải xem xét ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Trong các năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, Thành phố quyết định giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn liên tục từ năm 2020 đến năm 2022, tương ứng hệ số từ 1,5 đến 2,5 so với bảng giá đất tùy theo nhóm và khu vực.

Trong khi giá đất trên thị trường liên tục biến động theo chiều hướng tăng trong suốt thời gian qua, khiến bảng giá đất luôn thấp hơn thị trường rất nhiều lần. Chẳng hạn, tại khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận), bảng giá đất chỉ bằng 14% giá đất giao dịch trên thị trường. Còn tại khu vực 2 (TP. Thủ Đức, các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú), giá đất trong bảng giá chỉ bằng 10% giá thị trường…

Chưa kể, hệ số K để tính tiền bồi thường khi thu hồi đất được UBND Thành phố phê duyệt trong năm 2021, 2022 và khung hệ số theo Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 đã tăng từ 4 đến 15 lần so với bảng giá đất. Trong khi đó, hệ số điều chỉnh giá đất dự kiến ban hành và áp dụng trong năm 2023 mặc dù có tăng, nhưng chỉ ở mức hệ số từ 2,5 đến 3,5 so với bảng giá đất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó trưởng phòng Kinh tế đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, liên tục trong 3 năm qua, Thành phố vẫn giữ nguyên hệ số K. Giá đất trong bảng giá cộng thêm hệ số K cũng chỉ bằng 10,5 – 35,7% giá thị trường.

Theo ông Hòa, hệ số K năm 2023, Thành phố dự kiến tăng lên một lần so với hiện hành sẽ khiến giá đất tăng lên, nhưng cũng chỉ bằng 18 – 50% giá thị trường. Lý giải thêm việc tăng hệ số K lên một lần, ông Hòa cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng bỏ khung giá đất. Đây là một trong những tiền đề và cơ sở quan trọng cho việc xây dựng bảng giá đất phù hợp với giá thị trường và quy định pháp luật, hạn chế thấp nhất việc tăng đột biến giá đất gây sốc cho nền kinh tế.

“Đây là lộ trình tăng giá từ từ để khi xây dựng bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường sẽ không gây đột ngột cho người dân”, ông Hòa nói.

Bước chuẩn bị cần thiết

Về mức độ ảnh hưởng, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc tăng hệ số K sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với người dân và doanh nghiệp, nhưng không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức. Việc này cũng ảnh hưởng gián tiếp nhưng không đáng kể đối với doanh nghiệp và thị trường bất động sản, cũng như không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế – xã hội.

Việc tăng hệ số giá đất năm 2023 là một trong những tiền đề và cơ sở quan trọng cho việc xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Việc này cũng là một trong những giải pháp chống thất thu ngân sách, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước và cá nhân, tổ chức sử dụng đất.

“Tăng hệ số điều chỉnh giá đất ở mức vừa phải, theo lộ trình thích hợp sẽ đảm bảo công bằng trong các phương pháp xác định giá đất cũng như trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho rằng, nếu so sánh với hệ số K năm 2022 (dao động 1,7 – 2,5 lần) với hệ số K năm 2023 (2,7 – 3,5 lần) thì mức tăng hệ số K chiếm tỷ lệ khoảng 70%.

“Tuy nhiên, đặt trong tương quan với giá giao dịch trên thị trường thì con số này cũng không đáng kể. Bởi hiện nay chúng ta áp dụng hệ số K 1,7 – 2,5 lần thì cũng mới chỉ bằng 10 – 35% giá thị trường. Khi tăng hệ số K lên một lần thì cũng mới ở mức 30 – 40% giá thị trường”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, việc tăng hệ số K sẽ làm tăng giá đất, nhưng không nhiều. Với các đối tượng chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuê đất, giao đất không thông qua đấu giá thì hệ số K dù có tăng lên một lần thì vẫn rất có lợi cho họ.

“Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã định hướng phải xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường. Vì vậy, sự chuẩn bị dần từng bước của chính quyền TP.HCM là cần thiết và hợp lý”, ông Quang đánh giá.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *