TP.HCM quyết liệt với xây dựng không phép, trái phép

Đang dự họp Quốc hội tại Hà Nội, nhưng chiều 22/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phải cấp tốc bay vào TP.HCM để kiểm tra thực tế và xử lý vụ quan chức của quận Bình Tân xây dựng không phép. Điều này cho thấy sự quyết liệt của TP.HCM trong việc thực thi Chỉ thị 23 về xử lý xây dựng không phép, trái phép.

TP.HCM quyết liệt với xây dựng không phép, trái phép


Nên có đánh giá lại những dự án quy hoạch treo lâu năm để tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở hợp pháp



Không có “vùng cấm” với cán bộ sai phép




Những ngày qua, dư luận TP.HCM xôn xao câu chuyện cán bộ cấp quận của TP.HCM xây dựng 7 công trình không phép trên đất quy hoạch ga Bình Triệu nhiều năm nhưng chưa bị xử lý. Dù đang dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội, nhưng ngay trong chiều 22/10, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã bay vào TP.HCM để kiểm tra thực tế và xử lý vụ việc trên.

Cụ thể, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Thủ Đức cho biết, vào tháng 5/2019, lãnh đạo quận nhận được thông tin về các công trình vi phạm trật tự xây dựng của ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân và đã làm việc về những công trình vi phạm này.

Theo ông Truyền, hiện quận đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND phường Hiệp Bình Chánh theo dõi quá trình thực hiện cam kết tháo dỡ. Ngược lại, nếu không tự giác thực hiện sẽ xử lý theo quy định. Qua vụ việc này, quận nhận thấy việc xử lý còn chậm, sẽ rút kinh nghiệm.

“Quan điểm của Ban Thường vụ Quận ủy và Thường trực UBND quận là kiên quyết xử nghiêm mọi hành vi sai phạm, thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ và trong chấp hành các quy định. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không loại trừ ai nếu thông tin phản ánh khách quan, có cơ sở để xem xét”, ông Truyền khẳng định.

Công trình nhà ở Vietnam House Tower tại Thủ Đức được “hô biến” từ nhà ở riêng lẻ thành chung cư mini. Ảnh: Trọng Tín


Về phần mình, ông Lê Hữu Thành đã thừa nhận việc xây công trình không phép là sai và cam kết tháo dỡ. Ông Thành cũng viện dẫn nguyên nhân công trình xây dựng vi phạm là diện tích đất được cha mẹ chia cho mỗi người, trong tổng diện tích gần 6.000 m2. Công trình này trước đây vốn là chuồng nuôi lợn, sau đó do bị ô nhiễm nên ông cải tạo thành nhà xưởng để cho thuê làm bao bì.

“Do khu đất nằm trong quy hoạch ga dự trữ nên gần như không thể làm gì, đất đai để hoang tàn quá, nên gia đình tận dụng trong thời gian Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch, tôi có cam kết là sẽ tự tháo dỡ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch mà không đòi hỏi gì”, ông Thành nói.

Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vừa qua Thành ủy có Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, các sai phạm nghiêm trọng về xây dựng không phép, xây dựng trái phép vẫn diễn ra, thách thức kỷ luật kỷ cương, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng ở quận Thủ Đức khiến dư luận rất bất bình.

Theo đó, việc thực hiện cưỡng chế 7 dự án vi phạm của cán bộ Lê Hữu Thành và người thân tại quận Thủ Đức quá dài, nhưng khi báo cáo cấp trên nội dung vẫn để treo là đang rà soát. Chính điều này khiến người dân bức xúc.

“Đã là cán bộ đảng viên, chúng ta phải gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, làm gương cho người dân. Vì vậy, sai phạm tại quận Thủ Đức cần phải xử lý ngay, nếu cứ kéo dài nữa là không ổn. Đồng thời, các cán bộ khi có quyết định cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng cần xử lý nghiêm, tránh gây bức xúc trong dân, khi cưỡng chế có thể thông báo rộng rãi cho người dân biết”, ông Nhân nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp về triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố quý IV/2019, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, sai phạm tới đâu Thành phố sẽ xử lý tới đó, quan điểm của Thành phố là không nhân nhượng, xử lý nghiêm khắc, đảm bảo kỷ cương để làm gương cho cán bộ khác.

“Đối với các dự án vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn, trong quá trình thanh tra, kiểm tra mà phát hiện các trường hợp vi phạm thì thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp xử lý nghiêm khắc, không để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tái diễn và phức tạp hơn”, ông Phong nói.


Nên rà soát lại 


quy hoạch “treo”

Có rất nhiêu nguyên nhân để viện dẫn cho tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Song, vấn đề mà nhiều người đưa ra là do tốc độ đô thị hóa của TP.HCM tăng chóng mặt, nhu cầu nhà ở vẫn luôn ở mức cao, quỹ đất ngày càng thu hẹp, trong khi Thành phố đang tồn tại rất nhiều dự án “treo” nhiều năm, dẫn đến việc người dân có đất cũng không thể xây nhà.

“Có cầu ắt có cung, một khi nhu cầu quá cao nhưng không thể xây dựng được vì lý do nào đó chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để làm. Trong đó, quy hoạch “treo” ga Bình Triệu và công viên cây xanh ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức) là một ví dụ về điểm nóng xây dựng không phép, trái phép”, một chuyên gia về bất động sản nhấn mạnh.

Thực tế, câu chuyện xây dựng không phép, trái phép không chỉ diễn ra tại quận Thủ Đức, mà trên toàn bộ các quận, huyện của TP.HCM đã và đang tồn tại nhiều căn nhà, dự án xây dựng không phép.

Nói về nguyên nhân, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 cho rằng, địa phương này cũng là địa bàn khá phức tạp về xây dựng không phép. Nguyên nhân xuất phát từ các vướng mắc liên quan công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cụ thể vướng từ quy định của pháp luật đến việc thực thi.

Một khi người dân không chuyển được mục đích sử dụng đất thì sẽ dẫn đến xây dựng không phép, xây dựng chui, lậu. Một số vi phạm còn do nhận thức của cán bộ chưa đúng đắn, hiểu sai quy định của Nhà nước và thậm chí có tình trạng tiếp tay cho vi phạm.

“Vừa qua, quận 9 cũng đã có văn bản xin ý kiến UBND TP.HCM và các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc này, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý rốt ráo. Nếu không tháo gỡ sớm thì UBND quận 9 sẽ xin ý kiến Quận ủy để tự tháo gỡ, quận sẽ tự làm, tự chịu trách nhiệm với cấp trên để giảm bớt tình hình xây dựng không phép trên địa bàn”, ông Bảy nhấn mạnh.

Ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn có giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp tại các quận, huyện ngoại thành. Liên quan đến vụ việc 7 căn nhà của cán bộ quận Thủ Đức xây dựng không phép, ông Bình cho rằng, 7 công trình không phép tại phường Hiệp Bình Chánh thuộc thẩm quyền xử lý của UBND phường và quận Thủ Đức.

“Quận cần vận động, thuyết phục để chủ đầu tư các công trình tự tháo dỡ nhằm tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, rà soát các quy hoạch không còn phù hợp để tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở hợp pháp. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn cho người dân sống trong quy hoạch treo quá lâu”, ông Bình kiến nghị.