TP.HCM: Phố nhà giàu cũng “khóc vì ngập“

Khu biệt thự Thảo Điền, quận 2 nổi tiếng với những căn biệt thự có giá hàng triệu USD, nhưng nơi đây cũng nổi tiếng với một đặc sản, đó là cứ mưa lớn và triều cường là ngập toàn khu.

TP.HCM: Phố nhà giàu cũng “khóc vì ngập“


Nhiều tuyến phố của TP.HCM chìm trong biển nước. Ảnh: Lê Toàn



Nhà giàu sống khổ vì ngập




Ông Phạm Thái, chủ nhân căn biệt thự rộng hơn 600 m2 tại Khu đô thị Thảo Điền, đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2 (TP.HCM) cho biết, tối ngày 1/10, khi triều cường tại TP.HCM lên đỉnh 1,7 m, thì cùng là lúc toàn bộ khu Thảo Điền được bao bọc bởi nước với độ ngập cũng cả mét. Hệ quả là chiếc xe Audi A6 trị giá hàng tỷ đồng của ông bị chết máy khi đi về nhà.

“Ngày nào Sài Gòn mưa lớn thì toàn bộ các tuyến đường của khu Thảo Điền đều ngập trắng nước, thủy triều lên cũng ngập toàn khu. Việc ngập này diễn ra cả chục năm nay, nhưng Thành phố chưa có giải pháp nào để xử lý. Nguyên nhân chính có lẽ vì cốt nền ở khu vực này quá thấp, trong khi nó lại nằm quanh sông Sài Gòn, nên việc ngập là chuyện đương nhiên”, ông Thái nói.

Chung tình cảnh ngập, chiều tối ngày 2/10, gia đình bà Cúc tại đường Nguyễn Văn Hưởng đua nhau tát nước từ căn biệt thự rộng hơn 300 m2 của mình ra đường. Dù ở cổng, gia đình bà đã dùng bao cát đắp làm đê bao, nhưng nước vẫn tràn vào nhà, các đồ dùng của gia đình ở tầng trệt được đưa lên trên tầng 2 để không bị nước ngập làm hư hỏng.

Nhiều ô tô và xe máy chết máy do ngập nước- Ảnh: Lê Toàn


“Tôi mới mua một máy bơm công suất nhỏ để bơm nước ngập từ nhà ra, nhưng có lẽ không ăn thua, vì nước ngấm từ tứ phía vào, chứ không phải chỉ đi vào từ cổng. Nước từ các cống thoát nước dâng lên mùi hôi thối, màu đen ngòm…, tất cả bao trùm toàn bộ căn nhà tôi và cả khu phố Thảo Điền này nhiều năm qua”, bà Cúc nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, việc ngập nước tại khu Thảo Điền diễn ra nhiều năm nay, lý do chủ yếu được Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, là do cốt nền toàn khu này thấp hơn các khu khác của quận 2 khoảng nửa mét. Tình trạng này trước đây cũng diễn ra ở khu đường Trần Não cạnh khu Thảo Điền, nhưng từ năm 2016, đường Trần Não được nâng cốt nền lên cao hơn, nên đã thoát cảnh ngập.

Một khu phố nhà giàu nữa cũng sống khổ vì ngập là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, nơi có dự án Saigon Pearl án ngữ. Từ ngày 29/9 tới 2/10, khi đỉnh triều cường tại TP.HCM đạt đỉnh, nhiều người dân đã né tuyến đường này, chỉ những người có nhà ở đây mới đi vào và thảm cảnh là ô tô, xe máy chết máy la liệt nằm ở hai bên đường.

Ông Vũ Văn Lợi, một người dân sống tại khu chung cư cao cấp Saigon Pearl cho biết, dự án nâng cấp tuyến đường này đã được TP.HCM đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng dù tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, trở thành vùng trũng hút nước, mà vẫn không thấy được xây dựng. Chỉ khổ người dân khi mà trong năm, cứ mùa mưa, mùa thủy triều là lại bì bõm lội nước.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng chung cảnh ngộ khi khu vực này luôn thuộc khu ngập nặng nhất quận 2, có chỗ ngập tới gần 1,2 m nước với mặt đường.

Ngoài ra, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng cho thấy, các khu phố nhà giàu khác như Him Lam (quận 7), Trung Sơn (quận 8), khu Hoàng Diệu (quận 4)… cũng chịu cảnh ngập nặng những ngày qua vì triều cường.


TP.HCM chi hàng trăm tỷ chống ngập mà vẫn ngập

Tại Hội nghị lần thứ 32 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra ngày 2/10, vấn đề ngập do triều cường của TP.HCM đã được mang ra bàn thảo. Trong đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc giải quyết tình trạng ngập tại Thành phố tiến hành quá chậm, dù mỗi năm TP.HCM chi nhiều tiền cho công tác này.

“Trong khi chúng ta đang họp, TP.HCM đang đối diện với đợt triều cường cao nhất của năm”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói và yêu cầu UBND TP.HCM trao đổi kết quả triển khai các giải pháp chống ngập, các giải pháp dài hạn giải quyết ngập úng, triều cường trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong 3 năm gần đây, TP.HCM đã xuất hiện 21 đỉnh triều và vượt mức báo động cấp III là 1,5 m (năm 2016 có 5 đợt, 2017 có 9 đợt, 2018 có 7 đợt). Trong đó, năm 2018, do ảnh hưởng bão số 9 gây mưa lớn, làm ngập 102 tuyến đường từ 10 – 70 cm.

 


Các quy hoạch chống ngập cho TP.HCM được lập trước đây vẫn còn những hạn chế, nên chưa thể khắc phục được triệt để. Cụ thể, Quy hoạch thủy lợi chống ngập do triều cho TP.HCM (Quy hoạch 1547) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, được Chính phủ phê duyệt năm 2008, chỉ chú trọng việc chống ngập do triều cường, chưa chú ý đến yếu tố mưa lớn và xả lũ. Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) do JICA (Nhật Bản) lập từ năm 1997 – 1998, duyệt năm 2001, là quy hoạch chuyên ngành đang chỉ đạo công tác thoát nước mưa và nước thải của Thành phố.

Để khắc phục tình trạng ngập nước, trong năm 2019, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện hơn 200 dự án chống ngập với tổng kinh phí khoảng 8.000 tỷ đồng. Thế nhưng tới nay, việc xây dựng chương trình chống ngập vẫn chưa có tác dụng.

Chẳng hạn, trong Văn bản số 1032/BHTĐT-KHĐT của UBND TP.HCM gửi Sở Xây dựng về việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND Thành phố có yêu cầu Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn tiếp theo.

Văn bản nêu rõ, trong năm 2019, triển khai thực hiện 7 dự án nhằm giải quyết 9 điểm ngập do mưa. Trong đó, dự kiến hoàn thành 2 dự án giải quyết điểm ngập là đường Mai Thị Lựu, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán 3 dự án giải quyết 4 điểm ngập Tân Quý, Trương Công Định, Bàu Cát, Ba Văn, hoàn thành vào năm 2020. Phê duyệt dự án đầu tư 4 dự án giải quyết 3 điểm ngập Lê Đức Thọ, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành. Dự kiến năm 2019, 2020 giải quyết 14 điểm ngập lớn nhất của TP.HCM hiện nay ở các quận 7, quận 9, quận 2… Đây cũng là các điểm ngập nặng nhất mà nhiều năm nay TP.HCM quyết tâm giải quyết nhưng chưa thành công.

Theo GS-TSKH. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, Thành phố hiện có nhiều dự án chống ngập lớn (có dự án cả chục ngàn tỷ đồng) ngưng trệ quá lâu, chứ chưa nói đến vấn đề triển khai cả quy hoạch.

Trong đó, điểm đáng nói là công tác quy hoạch, xây dựng các dự án giảm ngập nước và triển khai thực hiện của các cơ quan chức năng còn thiếu tính đồng bộ. Trong các kế hoạch còn chưa làm rõ trình tự ưu tiên, phân kỳ thực hiện, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án nhằm đảm bảo tính hiệu quả của cả chương trình.

Tiến độ thực hiện các dự án còn chậm so với kế hoạch. Một số mục tiêu như giải quyết các tuyến ngập do mưa, triều cường, xây dựng, cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án giảm ngập do triều khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra (hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020).

Ngoài ra, công tác quy hoạch cũng chưa đảm bảo tính dự báo, định hướng, thiếu tính khả thi. Chưa ứng dụng giải pháp công nghệ cao vào việc thu thập dữ liệu, mô phỏng, dự báo… Do đó, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án chống ngập.

“Những hạn chế trên là do các sở, ngành, quận, huyện chưa thật sự đeo bám và thiếu sự phối hợp, UBND Thành phố chưa kiểm tra thường xuyên tiến độ triển khai công việc”, ông Bá cho hay.

Cũng theo ông Bá, có thể thấy, các dự án chống ngập lâu nay là quá chậm và chưa đồng bộ. Không chỉ quy hoạch, mà là do cơ chế, mà nguyên nhân là do giải phóng mặt bằng khó khăn và thiếu vốn. Giờ giải hai bài toán đó như thế nào mới là quan trọng.