TP.HCM: Chưa chốt định mức 20m2/người

Để tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND TP.HCM vừa giao Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố (TP) tiếp tục lấy ý kiến, đánh giá tác động của dự thảo quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức so với quy định cũ (5m2 sàn/người theo Nghị định số 107/2007/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành).

Đồng thời, bổ sung mối tương quan giữa quy định này với chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân người đến năm 2020 (19,8m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X).

Trước đó, Sở Xây dựng TP đã có cuộc họp với các sở, ngành để góp ý cho dự thảo “Nghị quyết quy định diện tích ở bình quân/người để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.HCM”.

Nếu quy định diện tích nhà ở 20m2/người mới đăng ký thường trú được tại TP sẽ khiến nhiều hộ gia đình không đáp ứng được. Ảnh: Huyền Trâm

Theo báo cáo dự thảo của Sở này, sau khi nghiên cứu và làm việc với đơn vị liên quan, Tổ công tác liên ngành thành phố thống nhất đề xuất diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP được tính chung là 20m2 sàn/người.

Tuy nhiên, báo cáo trên vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Cụ thể, tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP.HCM, có ý kiến cho rằng, mức bình quân tối thiểu 20m2 sàn/người là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư.

Một số luật sư tham gia hội nghị cho rằng, nhiều người đang ở trọ gần các khu công nghiệp, chủ yếu thuê phòng trọ diện tích dưới 20m2 cho gia đình 3 – 4 thành viên. Nếu theo quy định này, họ phải thuê một căn hộ diện tích 60 – 80m2, sẽ không đủ chi phí. Như vậy họ sẽ không đăng ký thường trú được để cho con cái hưởng chính sách khi đi học…