TP.HCM cấp bách giải bài toán nhà ở

TP.HCM hiện có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở. Đặc biệt, có tới khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ…

Hôm nay (17/9), UBND TP.HCM tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM giai đoạn 2021-2035”.

Hàng triệu người chưa có nhà ở

Có khoảng 200 đại biểu tham dự hội thảo gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh BĐS.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, người rất tâm huyết với vấn đề nhà ở của TP cho biết toàn TP hiện có khoảng 8,9 triệu người thường trú, kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng, với mức tăng trung bình 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Hằng năm, TP có thêm khoảng 60.000 cháu sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.

Ông Châu dẫn số liệu của Sở Xây dựng cho thấy TP có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ. Đặc biệt, có tới khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

“Rào cản đối với người thu nhập thấp ở đô thị khi tạo lập nhà ở là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp. Mặt khác, giá nhà cao gấp 20-25 lần so với thu nhập bình quân trong khi ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp 5-7 lần. Nhà nước cũng chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị tạo lập nhà ở, ngoại trừ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013-2016. Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm”, ông Châu chỉ rõ.

TP.HCM cấp bách giải bài toán nhà ởChung cư Lê Thành, một dự án nhà giá thấp hiếm hoi ở TP.HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Riêng TP.HCM, chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo HoREA, kết quả này đáng khích lệ nhưng cần có nguồn lực lớn hơn để giải quyết cho nhiều người hơn, nhằm bảo đảm công bằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Chính sách này cần được nhân rộng, nếu trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên thì sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở”, Chủ tịch HoREA nói thêm.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cũng thừa nhận nhu cầu nhà ở của TP tăng cao do tình trạng nhập cư liên tục. “Nhu cầu lớn nên nảy sinh tình trạng sang lô bán nền trái pháp luật, xây dựng trái phép. Nguồn cung chung cư cũng hết do dự án mới được phê duyệt rất chậm bởi chính sách pháp luật giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở mâu thuẫn nhau”, ông Nghĩa nêu thực trạng và dự báo nhà ở cho tất cả các phân khúc đều có nguy cơ bị thiếu hụt vào giai đoạn 2020-2021.

Một lý do khác khiến nguồn cung nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp bị thiếu hụt, cũng theo ông Nghĩa, là do lợi nhuận không nhiều, triển khai không hiệu quả.

Dẫn chứng từ chính công ty mình, ông Nghĩa cho hay ông nộp đơn xin triển khai dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh từ tháng 3/2019 nhưng đến nay đơn vẫn nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó, khu vực này nằm trong quy hoạch ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Với dự án cho thuê nhà ở cho người thu nhập thấp với thời hạn 49 năm, giá nhà chỉ 500 triệu đồng, hiện cũng không có nguồn cung mới. “Đất đai, lãi suất…, DN có thể tự lo được và thực hiện theo quy định pháp luật. Chúng tôi chỉ kiến nghị nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho DN một cách nhanh chóng nhất có thể, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư”, ông Nghĩa nêu ý kiến.

Sớm giải quyết vướng mắc về thủ tục

Theo UBND TP, mục đích của việc tổ chức hội thảo nhằm phân tích hiện trạng nhà ở, kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của TP; tình hình phân bổ và gia tăng dân số, điều kiện ở của người dân trên địa bàn TP giai đoạn 2006-2020; kinh nghiệm quốc tế và trong nước, khuyến nghị về phát triển nhà ở của TP; định hướng các giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm giai đoạn 2021-2035 trên địa bàn.

Qua hội thảo, TP sẽ tập hợp sáng kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, từ các hội nghề nghiệp, các viện – trường đại học; các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS trên địa bàn; các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan… nhằm hỗ trợ, góp phần trong chỉ đạo điều hành của UBND TP về việc nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2030 (theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Thủ tướng Chính phủ) và kế hoạch phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2025.

Gửi kiến nghị đến hội thảo, lãnh đạo HoREA nêu quan điểm nhà nước nên khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS – nhà ở. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền. Ngoài ra, kiến nghị TP xem xét, sớm giải quyết các vướng mắc về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; về thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sau khi đã có “Quyết định chủ trương đầu tư”; thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở…

HoREA cũng đề nghị TP quy hoạch phát triển các “khu đô thị bình dân”, “khu nhà ở vừa túi tiền” trở thành đô thị vệ tinh có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, tạo được một số việc làm tại chỗ và kết nối giao thông thuận tiện; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất công (thông qua đấu giá đất) và quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để phát triển các dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt hiện nay… “Nhà nước sử dụng hiệu quả hơn nữa công cụ tín dụng, thuế, công cụ quy hoạch – kế hoạch để điều tiết thị trường BĐS – nhà ở và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến người tiêu dùng để khắc phục tình trạng “mù” thông tin, nhất là trong thời điểm thị trường bị sốt ảo hoặc bị đầu cơ”, tham luận của ông Châu nêu rõ.

Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng TP đang thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm đáp ứng nhà ở cho người có nhu cầu thật, người sở hữu nhà lần đầu. Đây là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm, tạo điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp. “Chúng ta dường như chỉ quan tâm việc cấp phép dự án tràn lan, không trọng tâm, trong khi nhu cầu của người dân thì bỏ quên. Những người có nhu cầu thật thường là cặp vợ chồng đã đi làm khoảng 5-6 năm, rất khó kiếm nhà bởi nhà ở thương mại đa số giá cao”, ông Quang nói.

Để khắc phục tình trạng này, ông Quang cho rằng TP có thể cân nhắc những khu đất chừng 10ha tại các khu vực quy hoạch phát triển để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Nếu làm được việc này, thị trường BĐS TP mới phát triển bền vững, đẩy lùi được tình trạng mua nhà để đầu tư nhiều hơn mua nhà để phục vụ nhu cầu sinh sống thực tế như hiện nay. “Người có nguồn tiền thu nhập ổn định hằng tháng không mua được nhà mà rơi vào tay những người mua để đầu tư, vô tình đẩy giá nhà lên cao. TP cần có chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý để làm sao xây dựng được những căn nhà 40-50m2. Đồng thời, cần chính sách hỗ trợ lãi suất cho những người mua căn nhà đầu tiên ở mức 6%-7%, tức thấp hơn thị trường 3%-4%, trong 3-5 năm đầu tiên”, ông Quang đề xuất.


Nên cho DN làm nhà trọ

Theo HoREA, hiện nay các hộ gia đình, cá nhân có nhà cho thuê là lực lượng chủ lực giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân TP, người nhập cư. Tuy nhiên, mặt hạn chế là hầu hết những nơi ở này có chất lượng xây dựng thấp, thiếu an toàn, nhất là PCCC, kém an ninh, một số khu vực là vùng trũng của tội phạm, không có tiện ích, dịch vụ… “Trong khi đó, bất cập của quy định pháp luật hiện nay là DN không được đầu tư nhà trọ, phòng trọ. Nếu DN được làm dự án nhà trọ, phòng trọ sẽ bảo đảm chất lượng, tiện ích tốt hơn và tạo sự cạnh tranh, buộc các hộ gia đình, cá nhân phải làm tốt hơn nữa. Đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN”, ông Châu nêu rõ.

(Theo Người lao động )