Đi tìm hồn phố thị: “Viên ngọc quý bị sứt mẻ”

Hà Nội đang trong cơn lốc đô thị hóa, ngày càng trẻ trung, hiện đại với nhiều công trình kiến trúc cao tầng mọc lên. Tuy nhiên, kiến trúc và câu chuyện quy hoạch Thủ đô đang gây ra nhiều mối lo ngại.

Đi tìm hồn phố thị: “Viên ngọc quý bị sứt mẻ”


Một góc Hà Nội, với những khu nhà thấp tầng. Ảnh: Thành Nguyễn


Bài 2: “Viên ngọc quý bị sứt mẻ”



“V

iên ngọc quý bị sứt mẻ” là đánh giá của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà nhân học, chuyên gia văn hóa về thực trạng bảo tồn di tích kiến trúc và phát triển quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện nay.



Là một chuyên gia văn hóa, ông đánh giá thế nào về việc bảo tồn văn hóa tại các đô thị Việt Nam hiện nay?



ảnh 1

PGS. TS Nguyễn Văn Huy


Chúng ta đã có nhiều cuộc thảo luận quanh các vấn đề về đô thị. Gần đây, báo chí cũng chia sẻ nhiều về việc bảo tồn và phát triển về văn hoá ở nước ta. Chắc hẳn, ai cũng nhận thấy giá trị truyền thống, giá trị cổ trong kiến trúc bị mai một, bị gặm nhấm và phai nhạt dần. Đặc biệt, ở Hà Nội và TP.HCM, những đô thị phát triển nhanh như vũ bão, nên có nhiều vấn đề nóng liên quan đến bảo tồn kiến trúc, các công trình kiến trúc cổ.

Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị thời đại, nhưng đang bị mất đi nhanh chóng. Xưa chúng ta có khu phố cổ của người Việt Nam, buôn bán ở mạn phía Bắc hồ Hoàn Kiếm, phía Nam có khu phố Tây. Sự phát triển của quy hoạch đô thị ở cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã hình thành nên hệ thống như vậy. Nó đã mang lại cho Hà Nội bản sắc riêng, là vẻ đẹp, là hòn ngọc quý của Hà Nội.



Khu phố cổ của Hà Nội đã trở nên nổi tiếng và gần như ai cũng biết khi nhắc tới Hà Nội, còn khu phố Tây, chắc không nhiều người biết, nhất là những người trẻ?

Khu phố Tây mang dấu ấn lịch sử, là bằng chứng của sự phát triển tự nhiên của lịch sử, giai đoạn nước ta bị Pháp đô hộ trong ngót 100 năm. Dù bị Pháp cai trị, nhưng nhìn khách quan, Hà Nội có cái được là đã phát triển thành một đô thị hiện đại. Người Pháp đã đặt dấu ấn kiến trúc, quy hoạch kiểu phương Tây vào Hà Nội, ở đó phản ánh một trình độ văn hóa, văn minh và tư duy quy hoạch đô thị hiện đại. Có thể nói, quy hoạch của Hà Nội trước đây mang thêm dáng dấp kiến trúc miền Nam nước Pháp, tạo một hình ảnh phong cách kiến trúc Pháp đã được xây dựng ở Viễn Đông. Đó là một bản sắc của Hà Nội.

Ngày nay, nhiều người châu Âu, nhất la Pháp, Mỹ muốn đến Hà Nội để chiêm ngưỡng, không những sự cổ kính của khu phố cổ, mà còn muốn chiêm nghiệm cả một phần dáng dấp của kiến trúc miền Nam nước Pháp ở Hà Nội. Đó chính là giá trị đặc biệt mà người ta muốn khám phá. Giống như khi ta đến New Orleans (Mỹ) cũng muốn khám phá phong cách cấu trúc đô thị cổ giống miền Nam nước Pháp và tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao ở đây ở nước Mỹ lại gắn với một phần lịch sử nước Pháp.

Giá trị kiến trúc thành phố là báu vật của New Orleans. Người Mỹ mới chỉ có lịch sử hơn 200 năm, người ta càng trân trọng những bằng chứng vật chất của lịch sử. Người Mỹ có một tầm nhìn rất xa, từ lâu chính quyền và người dân quyết định bảo tồn toàn bộ kiến trúc cũ của thành phố New Orleans mang dáng dấp phong cách của Pháp. Xin nhấn mạnh, là toàn bộ thành phố cổ được giữ gìn. New Orleans cổ kính bảo tồn được toàn bộ không gian kiến trúc với các kiểu nhà 2 tầng truyền thống, không ai được phép phá vỡ không gian toàn cục đó, không được xây nhà cao tầng. Toàn bộ New Orleans hiện đại với các nhà cao chọc trời được xây dựng ở bờ bên kia của dòng sông.

Còn với Hà Nội, câu chuyện ở đây là cơ chế và cả con người cụ thể trong công tác quản lý thành phố đã khiến viên ngọc quý của đất nước bị sứt mẻ. Người Hà Nội mất dần đi những ký ức gắn với các công trình kiến trúc thân thương.



Nhìn vào thực tiễn phát triển đô thị hiện nay, ông băn khoăn điều gì?

Theo tôi, chúng ta nên giữ lại toàn bộ khu phố cổ, phố Tây. Nếu muốn phát triển theo hướng hiện đại, thành phố cũng phải kiên quyết (bằng luật – đã có Luật Thủ đô) đặt ra ngoài 2 khu đó. Việc gì phải đi phá nát khu phố Tây?

Nhìn những ngôi nhà dành cho các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao ở phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… được sửa chữa, bảo trì rất đẹp.

Hãy nhìn vào cách làm của người đi trước để học tập. Cách đây hơn 60 năm, các nhà quy hoạch đã cho thấy tầm nhìn xa trông rộng. Những năm 1960, khi làm quy hoạch, người ta không can thiệp vào khu phố cổ, phố Tây, họ cho xây các khu tập thể ở Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Thành Công ở ngoại vi gần…, tạo thành các vành đai đô thị mới.

Tuy nhiên, về sau, tình trạng xây dựng, quy hoạch thiếu khoa học, nhất là ở khu vực trung tâm khiến thành phố bị gặm nhấm dần. Tôi cho rằng, nhiều nhà quản lý biết điều đó là không nên, chứ không phải họ không nhận thức được. Có điều, nó cứ bị phá vỡ dần sau mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, bởi nhiều lý do, có khi do những tầm nhìn của những nhà quản lý, hoặc có thể liên quan đến lợi ích nhóm…



Phải chăng, ký ức chính là một phần của hồn phố thị Thủ đô?

Đúng vậy. Một thế hệ các lãnh đạo Thành phố, các nhà quy hoạch kiến trúc Thành phố, các kiến trúc sư đã tạo được một phong cách kiến trúc thời Liên Xô (khu nhà tập thể). Đó cũng là di sản kiến trúc của một thời kỳ và chúng ta đang phá vỡ nó. Sắp tới, có thể sẽ không còn thấy kiến trúc nhà hộp nữa.

Thiết nghĩ, nhiều khu tập thể cũ, chúng ta không nhất thiết phải đập đi xây lại và nhồi thêm những nhà cao tầng mới, mà có thể sửa chữa, nâng cấp bên trong, tân trang bên ngoài. Khi đó, chúng ta vẫn sẽ có những không gian sống rất tuyệt vời gắn với ký ức và lịch sử một thời.

Chúng ta có gần 100 năm Pháp thuộc, nhiều thập kỷ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội từ khi đất nước giải phóng, mỗi thời đều tạo ra những phần ký ức, phong cách kiến trúc cần gìn giữ. Tôi tin, quan điểm bảo tồn di sản không mâu thuẫn với phát triển. Hãy mang những gì của thời hội nhập sang khu vực vùng ven, đô thị vệ tinh, đồng thời nâng tầm cái cũ lên để tôn vinh bề sâu, chiều dài lịch sử. Đó là trách nhiệm của người làm quy hoạch.

Rất buồn là người ta quá tập trung vào khu khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, còn muốn xây lại Điện Kính Thiên, hoài vọng về những thứ đã thành phế tích, nhưng những kiến trúc đẹp đẽ của 100 năm nay, của 60 năm gần đây còn đang hiện hữu thì lại không nuối tiếc. Những thứ này nếu biết bảo tồn và phát huy chắc hẳn góp phần đáng kể vào phát triển du lịch và bộ mặt Thủ đô.



Nhưng thật khó để vừa hài hòa nhu cầu phát triển, công năng của các công trình mới và câu chuyện bảo tồn hồn phố thị, liệu có xung đột không, thưa ông?

Không, với cách làm ào ào hiện nay, đô thị hiện đại trong tương lai sợ rằng sẽ mất đi những nét hồn cốt của đô thị truyền thống, mất đi những ký ức của thành phố. Nếu điều đó xẩy ra thì thật là điều đáng tiếc.

Chúng ta phải sớm bổ sung luật, có tầm nhìn đúng cho di sản. Nhiều người nghĩ văn hóa, di sản và phát triển thường mâu thuẫn, va chạm nhau. Vấn đề ở đây là phải quy hoạch cho tốt, nghĩ như thế nào để cùng phát triển, không phải là đối đầu, mà là giải quyết hợp lý tất cả các vấn đề mỗi khi xuất hiện, phát sinh. Trước mắt, cần hoàn thiện luật về bảo tồn kiến trúc cổ ở các đô thị, giữ gìn và không được thay đổi quy hoạch vì những lợi ích không chính đáng bằng các toan tính điều chỉnh quy hoạch.



Vậy còn tình trạng xây cất lộn xộn, kiến trúc lai căng hiện nay thì sao?

Với khuôn viên, các tòa nhà khu phố cổ, phố Tây cần cố gắng giữ nguyên, trùng tu, bảo tồn. Sau này, nếu có xây dựng mới phải có quy định theo phong cách tương đồng. Phải chấm dứt việc hủy hoại các ngôi nhà kiến trúc Pháp, không phải chỉ giữ với hơn 100 ngôi nhà trong danh sách bảo tồn, mà nên giữ cả các khuôn viên và tòa nhà khác ở khu phố Tây của Hà Nội.

Với các khu mới, theo tôi nên có phong cách riêng cho từng khu, không phải như hiện nay, các khu mới bị xây khá tuỳ tiện, hoặc na ná giống nhau, tuỳ theo chủ đầu tư. Chúng ta đang rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm, nhà đầu tư có tiền làm theo suy nghĩ của mình. Hiện các quy định mới tập trung về vấn đề chiều cao, chứ không có định hướng phong cách kiến trúc. Muốn tạo ra bản sắc riêng cho đô thị, nên có các định hướng kiến trúc cho từng đô thị vệ tinh.