Tiếng thở dài sau những cuộc di cư

Mặc dù TP.HCM luôn đưa ra chủ trương nhất quán trong chính sách tái định cư là “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”, nhưng thực tế cho thấy lại không như vậy.

Tiếng thở dài sau những cuộc di cư


Hơn 10 năm người dân sống trong Chung cư Tín Phong vẫn chưa nhận được sổ hồng



Sống trọ ở trong chính 




nhà mình

Nhiều năm qua, chính sách hỗ trợ nhà tái định cư đã giúp nhiều hộ dân có được chỗ ở ổn định sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm, nhưng chính sách tái định cư đang bộc lộ nhiều bất cập.

Cụ thể, Thanh tra TP.HCM vừa thông báo hàng loạt sai phạm tại dự án nhà ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 (hay còn gọi là Chung cư Tín Phong) khiến hơn 10 năm qua, 60 hộ dân sống tại chung cư này vẫn mòn mỏi chờ sổ hồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2002, khu đất 38 ha phường Tân Thới Nhất, quận 12 được UBND TP.HCM phê duyệt làm dự án tái định cư với hơn 700 nền và gần 3.000 căn hộ, người dân ở khu vực này đồng ý di dời và nhận nhà tái định cư tại Chung cư Tín Phong cùng nằm trên địa bàn phường Tân Thới Nhất do Công ty Tín Phong làm chủ đầu tư. Tưởng chừng cuộc sống của những người dân nơi này sẽ bước sang một trang mới tốt đẹp hơn, song khi nhận nhà mới cũng là lúc bắt đầu cho chuỗi ngày đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Cụ thể, sau khi về sinh sống, các hộ dân nhiều lần đề nghị được tiến hành thủ tục xin cấp sổ hồng để tiện lợi cho việc nhập hộ khẩu, việc học hành của con cái, nhưng sau mỗi lần kiến nghị, tất cả chỉ nhận được những lời hứa hẹn.

ảnh 1

Vườn không nhà trống là tình cảnh đang diễn ra tại Chung cư Vĩnh Lộc B do người dân không chịu đến ở.  


Bà Nguyễn Thị Loan, một cư dân sống tại Chung cư Tín Phong than thở, nhà bà bị giải tỏa và nhận suất tái định cư tại chung cư này từ năm 2009. Đến 2013, bà đã đóng tiền xong, nhưng đến nay vẫn chưa làm sổ hồng được. Nhiều lần bà lên UBND quận 12 để hỏi, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời.

“Thấp cổ bé họng nên đành chịu. Chúng tôi đã nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng yêu cầu cấp sổ, nhưng cơ quan chức năng chỉ đá qua đá lại không giải quyết”, bà Loan ưu phiền.

Ngoài vấn đề không có sổ, cư dân ở đây còn bức xúc vì chung cư đã xuống cấp, nhưng không được bảo trì. Ông Phạm Tấn Phát, một cư dân về đây từ những ngày đầu, bức xúc: “Căn hộ của tôi hiện đang bị thấm toàn bộ, cống thoát nước không thoát được nên bốc mùi. Chung cư hiện không có ban quản trị, ban quản lý, không có phí bảo trì, nên không biết kêu ai”.


Mới cũng như cũ

Trái ngược với cảnh ngộ của người dân ở Chung cư Tín Phong, hàng trăm hộ dân ở Chung cư Tân Mỹ (quận 7) đang phải sống trong một chung cư nhếch nhác, hôi thối, mặc dù dự án này chỉ mới đưa vào sử dụng.

Tân Mỹ là chung cư tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa tại chương trình di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây, quận 8. Chung cư được xây dựng với 3 khu: Khu A, khu B là khu tái định cư, khu C là khu thương mại. Dù mới được đưa vào sử dụng khoảng 9 năm, nhưng hiện cơ sở vật chất đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Nằm ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng, nhìn bên ngoài, không ai nghĩ Chung cư Tân Mỹ là một dự án tái định cư, bởi vẻ khang trang, hoành tráng. Thế nhưng, vào bên trong mới thấy được nhiều cái khổ mà cư dân ở đây phải chịu đựng. Hệ thống 4 cầu thang máy ở 2 khu này chỉ hoạt động được 2 máy, còn lại đang trong tình trạng hư hỏng, cầu thang bộ trở thành nơi chứa rác, bốc mùi hôi nồng nặc.

ảnh 2

Hệ thống thang máy tại Chung cư Tân Mỹ đã hư hỏng nặng, trở thành nơi đổ rác của người dân.  Ảnh: Trọng Tín


Tại khu B, những mảng tường bị bong tróc, loang lổ, ẩm thấp. Trần nhà có nhiều chỗ bị hư hỏng. Nguyên nhân một phần ở khu B không có người vào ở, các hộ dân tận dụng lối đi của cầu thang bộ làm kho chứa đồ đạc, khiến cụm chung cư trở nên nhếch nhác, u ám.

Bà Nguyễn Thị Đằng, một cư dân của chung cư cho hay, khi được tái định cư về Chung cư Tân Mỹ, gia đình bà vui mừng khôn xiết, vì đã thoát khỏi căn nhà tồi tàn chưa đầy 8 m2. Căn hộ mới rộng 36 m2, thoáng mát, sạch sẽ, cả cuộc đời làm thuê, làm mướn của bà có nằm mơ cũng không thấy. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì giờ đây, gia đình bà lại trở về với cuộc sống nhếch nhác, vì chung cư mới cũng chẳng khác gì chung cư cũ nát.

“Chỗ này giờ đã tan nát hết, chẳng khác gì sống tạm bợ. Tưởng đâu tái định cư sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, nhưng nào ngờ còn tệ hơn ở chỗ cũ”, bà Đằng thờ dài.


Khóc ròng vì xa trung tâm

Cách Chung cư Tân Mỹ không xa là Chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Dự án này dành cho các hộ dân thuộc khu vực giải tỏa ở dự án cải tạo bờ kênh Tân Hóa – Lò Gốm, dự án thoát nước và cải thiện ô nhiễm tại kênh Tham Lương. Tuy nhiên, hiện các hộ dân sống tại đây chủ yếu là người thuê nhà. Nhiều tòa vẫn còn bị bỏ hoang, cỏ cao hơn người, nền gạch sụp lún, nứt nẻ vì không có người ở. Nhiều người dân khi về đây sinh sống phải khóc ròng, vì vị trí của chung cư quá xa so với trung tâm Thành phố.

Trong căn hộ tái định cư đã dọn đến ở hơn 8 năm nay, bà Mã Kim Hoa cho biết, gia đình bà gồm 4 người thuộc diện giải tỏa Khu dân cư Dạ Lữ Viện (quận 1). Đầu năm 2012, nhận tiền đền bù xong, cả nhà chuyển đến Chung cư Vĩnh Lộc B. Con gái lớn của bà là chị Phấn làm nghề lắp ráp đồ chơi tại một cơ sở ở quận 4, còn đứa cháu gái 12 tuổi cũng đang học gần đó để mẹ con tiện bề đưa đón. Vì vậy, hàng ngày mẹ con chị Phấn rời khỏi nhà từ 5 giờ sáng và trở về lúc chập tối, với gần 20 km từ nơi tái định cư đến chỗ làm và học.

“Hàng ngày, từ Bình Chánh, mẹ con nó phải đến trung tâm để đi làm, đi học. Do đường sá xa xôi, một phần ngại tốn xăng nên mấy năm nay, 2 mẹ con ở luôn tại cơ sở làm đồ chơi, cuối tuần mới về nhà một lần”, bà Hoa nói trong nghẹn ngào.

Chị Thúy, một cư dân sống tại đây than thở, mang tiếng sống ở Thành phố, nhưng ở đây cũng không khác gì nông thôn. Sống ở đây vắng vẻ, không có trạm xá, không có chợ, khu vui chơi dành cho trẻ em. Mang tiếng ở chung cư, mà khó khăn đủ bề, nhưng muốn đi cũng không có điều kiện để đi.

“Ở đây thường hay mất trộm, không có bảo vệ, nên người dân phải tự giữ gìn. Chỉ có bảo vệ nhà xe, nên khi xảy ra tình trạng trộm cắp, họ yêu cầu người dân báo với công an, vì họ không có nghĩa vụ phải giải quyết vấn đề này. Gần 1 năm ở đây, nhưng chưa biết mặt cảnh sát khu vực, mỗi khi có việc chẳng biết báo với ai”, chị Thúy tâm sự.

Dẫu biết việc xây dựng các khu tái định cư để giải quyết chỗ ở cho những hộ dân nằm trong vùng các dự án trọng điểm là chủ trương đúng đắn và nhân văn. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là chất lượng sống không đảm bảo. Bởi tái định cư không chỉ là nơi ở, mà còn là không gian sống, làm việc, đi lại, là phong tục, tập quán của người dân. Đây là bài học mà TP.HCM cũng như các sở ngành, quận, huyện cần nhận thức được trong quá trình tổ chức tái định cư cho người dân bị giải tỏa, để cho những cuộc di cư sau này sẽ không còn những tiếng thở dài.