Tiền hay cơ chế mới phá băng thị trường bất động sản lúc này?

TS. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023 Chính phủ sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề về pháp lý, nút thắt vốn trong đó có đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Ảnh TL

Bất động sản – ngân hàng – chứng khoán là các thị trường thông nhau. Lãi suất dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong nửa đầu năm 2023 và áp lực sẽ dần được giải toả trong 6 tháng cuối năm. Thị trường vẫn thiếu tính thanh khoản trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khát vốn do kênh huy động từ trái phiếu đang bị tắc nghẽn.

“Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn, thách thức trong giai đoạn này bao gồm thách thức về nguồn vốn, giá bán bất động sản đã tăng quá cao, sự biến động của nhân sự khi thị trường gặp khó. Những thông tin, biến động về các hoạt động điều tra, khởi tố nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ảnh hưởng lớn đến lượng quan tâm của người dùng với bất động sản trong thời gian vừa qua. Trong năm 2022, tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều gặp khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. Tình trạng này kéo dài khiến sức khoẻ thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngày càng suy giảm.

“Năm 2022 ngành bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể hoạt động bình thường, lợi nhuận sụt giảm. Trong khi dư nợ trái phiếu và dư nợ ngành bất động sản tại các ngân hàng rất lớn và do đó, bức tranh tương lai của ngành ngân hàng sẽ bị đánh giá kém hơn nhiều so với hai năm trước”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023 Chính phủ sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề về pháp lý, nút thắt vốn trong đó có đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Ảnh TL
TS. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023, Chính phủ sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề về pháp lý, nút thắt vốn, trong đó có đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Ảnh BĐT

Bàn về giải pháp, TS Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2023, Chính phủ sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề về pháp lý, nút thắt vốn (trong đó có đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản), kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa tài chính – bất động sản), tái cấu trúc doanh nghiệp và thị trường. 

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tiếp tục cần được sửa đổi để hoàn thiện thể chế.

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng triển vọng trong tương lai của ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào câu chuyện Chính phủ đưa ra các quyết định tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu và bất động sản.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề vốn cho thị trường bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tổ công tác đặc biệt về bất động sản sẽ có báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ tín dụng cho bất động sản tới Thủ tướng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú hiện đang là Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. 

Ông Đào Minh Tú cho biết đã trực tiếp cùng tổ công tác khảo sát, nghiên cứu, phân tích tại các địa phương và thấy rõ nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản. 

“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ có các diễn đàn về tín dụng bất động sản để làm rõ trách nhiệm của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý bất động sản, doanh nghiệp triển khai dự án… làm sao phát triển thị trường lành mạnh, ổn định, không để đóng băng”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *