Hệ thống giao thông vận tải của Hà Nội: Thiếu tính liên kết, đồng bộ


Rời rạc, thiếu kết nối

Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Với những đặc điểm và lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế – xã hội, TP. Hà Nội đã trở thành đầu mối của các dòng vận tải với mọi loại hình giao thông: Hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Thế nhưng có một thực tế là, các loại hình vận tải của TP lại đang thiếu tính liên kết, trong khi hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông của TP đã được đầu tư hoàn thành, giúp giảm tải áp lực, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, TP, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông khung mới đang trong quá trình đầu tư phát triển theo quy hoạch.

Tất cả các tuyến đường vành đai lớn như 1, 2, 3, 4… đều chưa được đầu tư khép kín; hệ thống đường hướng tâm còn thiếu và chưa hình thành đồng bộ. Mạng lưới đường sắt đô thị mới chưa có tuyến nào được đưa vào khai thác vận hành. Các tuyến đường sắt quốc gia đã lạc hậu, chưa được nâng cấp phù hợp với bối cảnh hiện đại.

Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Công Hùng

Hệ thống giao thông đường thủy nội địa đã được xây dựng 9 cảng, 17 bến thủy nội địa và 58 bến khách ngang sông. Tuy nhiên việc đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải và kết nối còn chưa đồng bộ nên vai trò còn rất mờ nhạt trên bản đồ GTVT của TP.

Giao thông hàng không có các sân bay: Nội Bài, Gia Lâm (bay dịch vụ kết hợp quân sự), Bạch Mai, Hòa Lạc và Miếu Môn (sân bay quân sự). Trong đó, mới chỉ có sân bay Nội Bài được đầu tư ở quy mô nhất định, điều kiện hạ tầng cho thông quan hàng hóa còn khó khăn, chưa có ứng dụng công nghệ hiện đại để điều tiết chuyển tải hàng hóa thông qua… Điều này dẫn đến hiệu quả khai thác sân bay trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hành khách còn rất hạn chế.


Kỳ vọng vào chính sách

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, muốn phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của hệ thống GTVT, Hà Nội cần tập trung vào 4 giải pháp. Đó là: Hoàn thiện hệ thống tầng giao thông; hình thành các đầu mối logistics, thu gom, trung chuyển hàng hóa, hành khách; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành GTVT; xây dựng thị trường vận tải giàu tính cạnh tranh, đa phương thức.

Đó cũng là những mục tiêu được TP. Hà Nội xác định trong chiến lược phát triển GTVT. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan, ưu tiên phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại như: Vành đai 1, 2, 3, 4…

Tập trung đầu tư các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống gồm: Thượng Cát, Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2)… Hoàn thành một số đoạn của các tuyến đường: QL1A (phía Nam); trục Hồ Tây – Ba Vì; QL6; trục cầu Vĩnh Tuy – Giang Biên – Ninh Hiệp… Phối hợp với Bộ GTVT, nâng cấp cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam đoạn qua Hà Nội…

Một khi hệ thống giao thông đã được đầu tư hoàn chỉnh, các nhà ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không trên địa bàn TP sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau, là cơ sở để hình thành các đầu mối trung chuyển hành khách, hàng hóa. 

Do đó, song song với việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, Hà Nội cũng đang triển khai các dự án xây dựng: Bến xe khách chính phía Nam (khu vực Ngọc Hồi – đường Vành đai 4); Bến xe Cổ Bi và Bến xe Phía Tây; Cảng cạn ICD Cổ Bi; Mỹ Đình; Cảng container quốc tế Phù Đổng; Cảng Giang Biên… Nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực phía Bắc; nâng cấp một số cảng trên sông Hồng…

Các chuyên gia còn cho rằng, để nâng cao sức cạnh tranh của DN, phát triển đồng đều vận tải đa phương thức, Hà Nội cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các DN trong cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn. Qua đó góp phần hình thành những DN lớn về logistics và các sàn giao dịch vận tải, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường vận tải.