‘Thời gian bay Hà Nội – TP HCM mỗi tháng dài thêm 5 phút’

Tại toạ đàm về hàng không sáng nay (11/12), đại diện các cơ quan quản lý và hãng bay đều cho rằng, hàng không Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, đồng thời đặt ra nhiều áp lực với cơ sở hạ tầng.

Theo CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành, do áp lực hạ tầng nên mỗi tháng một khác. “Chuyến bay Hà Nội – TP HCM mỗi tháng dài thêm 5 phút. Nguy cơ delay hơn là có, ảnh hưởng đến chất lượng, tăng trưởng kinh tế”, ông Thành cho biết và nói mong sớm tháo gỡ nút thắt hạ tầng để phát triển.

Tại một sự kiện đầu này tuần, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cũng từng thông tin, hệ số cung ứng ghế trên chặng Hà Nội – TP HCM luôn đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới. Trong khi, Tân Sơn Nhất đang quá tải khiến chỉ số đúng giờ tại sân bay này thấp.

“Vì vậy, các hãng phải tự điều chỉnh kế hoạch bay. Lịch bay trước đây 2h nhưng hiện phải để khoảng 2h15p, phòng trường hợp phải bay vòng chờ hạ cánh”, ông Hà cho hay.

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm hàng không sáng 11/12. Ảnh: KL

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm hàng không sáng 11/12. Ảnh:

KL

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), quá tải hạ tầng hàng không thể hiện rõ nhất qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ông cho biết, năm nay các hãng hàng không nước ngoài không thể ồ ạt vào Tơn Sơn Nhất vì không còn nhiều slot để đảm bảo an toàn khai thác.

“Năm nay, năng lực cấp thêm cho các hãng bay của Tân Sơn Nhất khoảng 2 – 3%. Do đó, tăng trưởng của sân bay này chỉ 5%”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, hiện ACV đã xây dựng kế hoạch trung hạn dựa trên Quyết định 236 của Thủ tướng. Kế hoạch này đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu quy hoạch mà Thủ tướng quyết định với mạng cảng hàng không, trong đó có việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Pleiku, Điện Biên, Phú Quốc…

Tuy nhiên, hiện ACV phải chờ hoàn thiện quy hoạch chi tiết của hệ thống cảng hàng không sân bay và phê duyệt kế hoạch trung hạn. “Điều này doanh nghiệp không được làm mà là cơ quan quản lý nhà nước nhà nước”, ông Thanh nói. Ông cũng cho biết, khả năng giải ngân năm nay của ACV rất thấp khi chưa triển khai được dự án nào.

Về vấn đề hạ tầng quả tải nhưng vẫn cấp phép cho các hãng bay mới, Cục trưởng Hàng không, Đinh Việt Thắng giải thích, tiềm năng thị trường Việt Nam những năm tới còn rất lớn, dự báo đạt 150 – 180 triệu hành khách vào năm 2025. Ông cho rằng, các hãng bay mới cũng không chọn Tân Sơn Nhất làm sân bay căn cứ, các sân bay họ chọn vẫn còn năng lực phát triển.

Ngoài ra, theo ông Thắng, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam mới có 5 hãng bay trong khi Thái Lan có 16 hãng, Singapore 6 hãng, Indonesia 12 hãng, Philippines 10 hãng… Nếu 3 ứng viên Vinpearl Air, Vietravel Airlines, KiteAir hoàn thiện thủ tục, Việt Nam cũng mới chỉ có 8 hãng hàng không.

Cục trưởng đánh giá, giai đoạn 2008 – 2019, hàng không Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Theo đó, các hãng hàng không trong nước tăng 5,2 lần về hành khách, 3,2 lần về hàng hoá, đội bay cũng tăng gấp 3,5 lần. Ông nhận định, dù tăng trưởng nhanh, ngành hàng không vẫn năm trong sự kiểm soát của nhà nước. Đồng thời, sự phát triển này mang đến nhiều lợi ích cho hành khách về cơ hội đi lại, giá vé, nâng cao chất lượng dịch vụ.


Anh Tú