Thị trường bất động sản kỳ vọng sớm đảo chiều

Thị trường trầm lắng, nhưng lượng người quan tâm tìm hiểu thông tin vẫn khá đông. Ảnh: Lê Toàn

Lên “dây cót” tinh thần

Chỉ trong 2 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm khơi thông thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp ví chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã phả hơi ấm cho thị trường, trước mắt là khôi phục niềm tin.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, sau quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, thì Công điện 1164/CĐ-TTg cũng khá mạnh mẽ, toàn diện trong tháo gỡ khó khăn mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt. Thông tin này giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin, sự lạc quan vào thị trường.

Sau những chỉ đạo trên, các bộ, ngành đã có các giải pháp cụ thể. Nổi bật là việc Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cho phép các trái phiếu phát hành được gia hạn 2 năm, hay cho phép hai bên thỏa thuận để chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Nếu những đề xuất này được thông qua, trước mắt sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong việc gọi vốn.

Riêng về tiến độ xây dựng dự thảo các luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tuần này, Bộ Xây dựng sẽ chuyển hai dự thảo luật trên sang Bộ Tư pháp để thẩm định cơ sở, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm (năm 2023).

“Đây là hai luật rất quan trọng, liên quan đến lĩnh vực bất động sản mà rất nhiều cơ chế, nội dung cần được tháo gỡ, giúp phát triển lĩnh vực bất động sản bền vững hơn”, ông Hải thông tin.

Ngoài ra, hiện Cục cũng đang biên soạn Nghị định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở. Nghị định này sẽ quy định thật chi tiết, nhà đầu tư chỉ cần nghị định này là nắm rõ cách làm. Cơ quan nhà nước khi căn cứ vào đó sẽ dễ kiểm tra, giám sát.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty SeaHoldings đánh giá, việc Chính phủ ban hành Công điện hay thành lập Tổ công tác, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự thảo luật liên quan là động thái cần thiết ở thời điểm hiện tại nhằm hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

“Các động thái hỗ trợ thị trường bất động sản chứng tỏ Chính phủ đã thấy thị trường này là một bộ phận vô cùng quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô và nếu không gỡ ngay lúc này thì hậu quả là rất lớn”, ông Phương nói.

Kỳ vọng thị trường sớm đảo chiều

Cùng với những tháo gỡ về mặt chính sách, thị trường bất động sản cũng xuất hiện thêm nhiều chỉ báo, nhất là những chỉ báo liên quan đến dòng tiền với kỳ vọng thị trường có thể đảo chiều trong năm 2023.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nhìn lại lịch sử, hồi quý I/2012, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 6 tháng. Sau khoảng 1,5 năm, đến quý II/2013, thị trường bất động sản đã xuất hiện tín hiệu cân bằng thị trường.

Trong những giai đoạn khi khủng hoảng diễn ra, chúng ta đã có nhiều chính sách điều tiết nhanh, kịp thời. Lần này cũng thế, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Khi làm việc với các bộ, ngành, nhất là Tổ công tác, chúng tôi nhận thấy họ làm việc rất mạnh mẽ, gặp gỡ chuyên gia, doanh nghiệp liên tục để bàn giải pháp tháo gỡ cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

“Nếu đối chiếu ở giai đoạn hiện tại, lãi suất kỳ hạn 1 – 6 tháng bắt đầu tăng lên từ quý II/2022. Như vậy, nếu giả định quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh lãi suất, thì thị trường sẽ cân bằng và dự báo xuất hiện tín hiệu đảo chiều vào quý II/2024”, ông Quốc Anh nói.

Ở chỉ báo tăng trưởng tín dụng, vị chuyên gia này nhìn nhận, nhớ lại năm 2012, mục tiêu tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, lạm phát lên tới 8%. Tới năm 2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 12% và lạm phát giảm còn 6%. Đồng thời, ngay sau khi nới lỏng, thị trường lập tức có tín hiệu đảo chiều.

Do đó, ông Quốc Anh cho rằng, tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố tác động nhanh và trực tiếp lên thị trường bất động sản. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ năm 2019 cho đến tháng 11/2022 đều ổn định ở mức 14%. Nếu nhà điều hành tiếp tục thực hiện việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 thì tín hiệu đảo chiều có thể sẽ xuất hiện ngay trong năm sau.

“Không mất đến 2 năm như giai đoạn trước, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang phát tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhìn lại năm 2013, khi các chính sách hỗ trợ rõ nét hơn, thị trường ngay lập tức đảo chiều. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào cuối năm 2023”, chuyên gia này khẳng định.

Trong bối cảnh đó, lời khuyên của ông Nguyễn Văn Đính dành cho các doanh nghiệp bất động sản là cải thiện hồ sơ tín dụng. Bởi, ngay sau khi thị trường có tín hiệu đảo chiều, doanh nghiệp có thể vay tín dụng để phát triển kinh doanh.

Đồng thời, doanh nghiệp nên phát hành trái phiếu minh bạch và cân nhắc để phù hợp với khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, cần đưa ra các phương án tài chính hấp dẫn cho người mua nhà và đẩy nhanh pháp lý, tiến độ dự án để có vốn từ nguồn khách hàng trả trước.

“Nhà nước đã tháo gỡ về mặt chính sách. Để hồi phục niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư thì doanh nghiệp phải làm ăn chân chính, đảm bảo chữ tín, đảm bảo lợi nhuận cam kết”, ông Đính đúc kết.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *