Thị thực cho chuyên gia nước ngoài tiếp tục bị doanh nghiệp EU xếp là điểm nghẽn

Ngày 12/1, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã công bố kết quả đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý IV/2022. Trong quý cuối cùng của năm 2022, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 48 điểm phần trăm so với quý IV/2021.

Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương - Ảnh: Lê Toàn
Sản xuất linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Dù nhiều chỉ số môi trường kinh doanh giảm, nhưng các doanh nghiệp châu Âu vẫn đánh giá Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu.

Để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, EuroCham đã mời hơn 1.300 thành viên đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, cung cấp phản hồi hàng quý về môi trường kinh doanh của Việt Nam và đưa ra dự báo tình hình kinh doanh quý tiếp theo.

Trong số hơn 1.300 thành viên, 41% số người được hỏi cho biết công ty của họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam (tăng 13% so với quý III/2022).

Có khoảng 35% số người được hỏi cho rằng, Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu trên toàn cầu, trong đó 12% cho rằng, Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu của công ty họ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu cũng cho biết, 3 rào cản về pháp lý lớn nhất đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Một là, thiếu rõ ràng về các quy tắc và quy định (51%). Hai là, khó khăn về thủ tục hành chính (41%). Ba là, khó khăn về thị thực và giấy phép lao động (30%).

Về đề xuất cải thiện năng lực thu hút FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp cho biết cần cắt giảm thủ tục hành chính, vì vấn đề này vẫn giữ nguyên vị trí đầu bảng kể từ quý II/2022. Nội dung cần cải thiện tiếp theo là tháo gỡ thị thực cho các chuyên gia nước ngoài. Đề xuất này ngày càng được doanh nghiệp đề xuất nhiều hơn (quý IV tăng 8% so với quý III/2022)

Bình luận về chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam, Chủ tịch EuroCham ông Alain Cany cho biết, mặc dù tình hình kinh tế kém tích cực có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, nhưng điều này không được coi là nguyên nhân gây lo ngại.

Trên thực tế, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu và trên toàn thế giới vẫn ở mức cao và tiếp tục tăng, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và công nghiệp xanh của Việt Nam. Rõ ràng là với nguồn vốn FDI này, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam” ông Alain Cany nhận xét.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *