“Thay tên đổi chủ”, Dự án Eco Green Tower có đổi vận?

“Chết lâm sàng” vì đói vốn, Dự án Eco Green Tower số 1 Giáp Nhị (Hà Nội) bất ngờ thay tên đổi họ thành Dự án Viễn Đông Star với một diện mạo mới cùng nhà đầu tư mới.

“Thay tên đổi chủ”, Dự án Eco Green Tower có đổi vận?



Bình mới…




Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, Dự án Eco Green Tower tiền thân là khu đất của Công ty cổ phần Hóa chất (Chemco) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được TP. Hà Nội cấp năm 1992. Chemco đã ấp ủ kế hoạch “biến hóa” khu đất trở thành một dự án nhà ở thương mại để xúc tiến, mời gọi đối tác tham gia từ cách đây hơn chục năm.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vì nhiều lý do, kế hoạch không thể triển khai được như mong muốn. Đến khi Chemco thay thế nhiều nhân sự cao cấp với việc ông Lã Hồng Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Thanh Phong được bầu làm Tổng giám đốc Chemco từ năm 2008, kế hoạch này mới được triển khai.

Theo đó, vào tháng 11/2008, HĐQT Chemco đã thông qua Nghị quyết duyệt phương án quy hoạch tổng thể diện tích Công ty đang thuê lại của Nhà nước, đồng thời thông qua “các phương án của các đối tác đề nghị hợp tác đầu tư tại khu Đuôi Cá” và giao Ban tổng giám đốc tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc trong tháng 12 cùng năm với đối tác…

Tới tháng 12/2008, Chemco ra nghị quyết HĐQT về đầu tư xây dựng “Tổ hợp văn phòng và nhà ở cao tầng” tại khu vực Đuôi Cá – Giáp Nhị (số 1 Giáp Nhị) theo hình thức liên doanh liên kết”. Do không có đủ năng lực tài chính để triển khai, thời điểm đó Chemco đã xác định rõ việc hợp tác kinh doanh áp dụng theo nguyên tắc Công ty “chỉ góp vốn bằng lợi thế sử dụng đất”.

Năm 2009, Chemco bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản vào giấy phép hoạt động…, đồng thời ký kết hợp đồng hợp tác triển khai Dự án Eco Green Giáp Nhị với Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (SJC). Tuy nhiên, thời điểm đó mảnh đất Chemco đang sử dụng vẫn là đất thuê, nên SJC không triển khai được mặc dù đã ký hợp đồng hợp tác triển khai dự án.

Tháng 2/2011, UBND TP. Hà Nội chấp thuận đề xuất đầu tư xây dựng dự án, tuy nhiên, phải hơn 4 năm sau, tức năm 2015 dự án mới được phê duyệt về quy hoạch kiến trúc, đồng thời được cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, dự án có quy mô 28 tầng và 1 tầng hầm, tổng số 294 căn hộ với tổng mức đầu tư ban đầu là 423,5 tỷ đồng, đồng thời dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào quý IV/2018.

Tuy nhiên, khi dự án chính thức được triển khai cũng là thời điểm mà cả Sông Đà 1.01 lẫn Chemco rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Hoạt động kinh doanh đi xuống, không có sẵn các nguồn lực tài chính đối ứng, nên theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, gần như toàn bộ dòng tiền cho việc triển khai của dự án trên thực tế là tiền vay ngân hàng và tiền thu từ người mua nhà.

Theo đó, sau khi hoàn thiện các giấy tờ pháp lý, Sông Đà 1.01 (đại diện liên danh chủ đầu tư) đã ký kết hợp tác với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) về Hợp đồng vay số 75-04.16/HĐTD/TPBANK/TTKD.HO ngày 14/5/2016, hạn mức tín dụng 220 tỷ đồng, thời hạn vay 4 năm, lãi suất 10,5%/năm; mục đích vay để bổ sung vốn thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Eco Green Tower tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội”.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù các Nghị quyết ĐHCĐ của Chemco từ năm 2014 – 2016 đều không thông qua việc chấp thuận cho Sông Đà 1.01 sử dụng lô đất 1 Giáp Nhị để làm tài sản đảm bảo vay vốn triển khai dự án, nhưng Ban lãnh đạo Chemco vẫn cho phép Sông Đà 1.01 dùng lô đất nói trên để thế chấp tại TPBank vay vốn triển khai dự án này.

Đây cũng được xem là một trong những lý do khiến sau này khi Công ty Sông Đà 1.01 mất khả năng thanh toán và không thể tiếp tục triển khai được dự án, Chemco hoàn toàn không thể can thiệp để thu hồi lại tài sản cũng như tìm kiếm nhà đầu tư khác thế chân Sông Đà 1.01, mà phụ thuộc vào quyết định từ phía chủ nợ là TPBank.


…Rượu liệu có mới?

Ngày 31/7/2019, HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng Dự án Eco Green Tower – số 1 Giáp Nhị (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh. Nghị quyết do ông Tạ Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà 1.01 ký.

Cụ thể, Sông Đà 1.01 sẽ chuyển nhượng cho  Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh toàn bộ thương phẩm còn lại và các quyền khai thác tại Dự án Eco Green Tower bao gồm: Toàn bộ các căn hộ được chào bán cho người mua (tổng diện tích khoảng 16.171 m2 sàn thông thuỷ); Toàn bộ diện tích sàn thương mại thuộc sở hữu và/hoặc phân chia cho Sông Đàn 1.01 (khoảng 1.708 m2); Toàn bộ diện tích để xe và/hoặc quyền khai thác sàn để xe và các quyền khai thác dịch vụ khác tại dự án thuộc sở hữu và/ hoặc phân chia cho Sông Đà 1.01.

Với những dự án đã từng có vết và bê trễ như Eco Green Tower, việc đổi chủ có thể xem là một trong những bước đi mới nhằm giải quyết bức xúc của nhiều khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, với các khách hàng, câu hỏi đặt ra là liệu việc thay tên đổi chủ này có thực sự khiến dự án được tiếp tục triển khai và về đích như mong muốn hay không? Nhất là khi Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh là một tên tuổi hoàn toàn lạ lẫm trên thị trường.

Trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản gần đây, đại diện TPBank cho biết, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh là đơn vị do ngân hàng này “mai mối”, đồng thời khẳng định, với tư cách là một “nạn nhân” nên TPBank cũng gắn trách nhiệm và quyền lợi ở dự án. TPBank tin tưởng chủ đầu tư mới là đơn vị có uy tín, có nguồn lực về tài chính để có thể tiếp tục triển khai dự án.

Dẫu vậy, theo tài liệu mà Báo Đầu tư Bất động sản có được, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh là một doanh nghiệp tương đối mới do 2 cổ đông sáng lập, thành lập từ ngày 20/6/2017 với vốn điều lệ vỏn vẹn 50 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Phương Lan sinh năm 1977 là người đại diện pháp luật và có tỷ lệ vốn góp là 25 tỷ đồng (tương đương 50% vốn điều lệ), người còn lại là ông Hoàng Thế Dũng cũng có tỷ lệ vốn góp là 25 tỷ đồng (tương đương 50% vốn điều lệ).

Ông Hoàng Thế Dũng cũng trùng tên với một người thuộc Ban lãnh đạo Tập đoàn Viễn Đông, trụ sở tại tòa nhà số 36 Hoàng Cầu, nơi Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh đang đăng ký làm trụ sở chính tại tầng 9. Viễn Đông cũng chính là tên gọi mới của Dự án Eco Green Tower Giáp Nhị  được nhắc tới trong thời gian vừa qua.

Được biết, Tập đoàn Viễn Đông có trụ sở tại 36 Hoàng Cầu (Hà Nội), là một nhóm doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính, kinh doanh thương mại…; được thành lập từ năm 1995, trong đó CTCP Tập đoàn Địa ốc Viễn Đông đóng vai trò trung tâm. Tập đoàn cũng có liên quan mật thiết với dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp xây dựng không phép Central Coast (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị UBND TP. Đà Nẵng xử phạt số tiền kỷ lục 1 tỷ đồng và đình chỉ thi công từ năm 2017 đến nay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Bình Đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Viễn Đông mới đây cũng đã được Công ty Sông Đà 1.01 bầu vào HĐQT của Công ty này và giữ chức Phó tổng giám đốc từ tháng 7/2019.