Tăng nhập khẩu có kéo giá thịt lợn xuống?

Hiện tại, giá lợn hơi trên thị trường dao động 75.000-85.000 đồng/kg. Giá đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi đó, giá thành sản xuất thịt lợn tại các doanh nghiệp lớn, cơ sở chăn nuôi được cho là 35.000-45.000 đồng/kg.


“Giá thành sản xuất thịt lợn đã là 55.000 đồng/kg, rất khó giảm giá”

Trao đổi với

Zing.vn

, chủ một cơ sở chăn nuôi lợn cho biết hiện tại, giá thành sản xuất thịt lợn cao hơn nhiều so với con số 35.000-45.000 đồng/kg. Ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng không thể có được giá thành này.

“Giá lợn con từ 15 kg là 2,5 triệu đồng/con, cộng với 2,4 triệu đồng tiền thức ăn, rồi chi phí nhân công, điện nước, chuồng trại… không dưới 5,5 triệu đồng cho một con lợn khoảng 100 kg xuất chuồng”, người này nói, và cho rằng doanh nghiệp sẽ gặp khó khi phải giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 60.000-70.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng khẳng định với giá con giống 2,5-3 triệu đồng/con, cộng với chi phí để đảm bảo an toàn sinh học, giá thành sản xuất thịt lợn ngay tại các cơ sở chăn nuôi lớn đã phải tầm 50.000 đồng/kg.

Với người nông dân, khi giá con giống cao, trong khi giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm, họ rất ngại tái đàn bởi có thể bị lỗ.

Một thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng để phục hồi tổng đàn lợn như trước dịch tả lợn châu Phi phải mất 3-4 năm hoặc có thể hơn, tùy vào sức tiêu thụ thịt lợn hàng năm. Người này nhận định giá thịt lợn vẫn sẽ neo ở mức cao trong thời gian tới.

Tang nhap khau co keo gia thit lon xuong? hinh anh 1 C0109.00_02_27_35.Still002_zing.jpg

Giá thịt lợn hơi trên thị trường dao động 75.000-85.000 đồng/kg. Ảnh:

Duy Anh.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam, nói với

Zing.vn

nguồn cung còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khiến giá thịt lợn chưa thể xuống.

“Giá thịt lợn phụ thuộc vào cán cân cung cầu, mà hiện tại đang lệch về phía cầu nên giá còn cao. Muốn điều tiết được phải phụ thuộc vào những doanh nghiệp chăn nuôi lớn bởi họ là người dẫn dắt thị trường”, ông Bích nói.

Về lợi nhuận, chuyên gia này nhìn nhận chỉ doanh nghiệp chăn nuôi lợn, đặc biệt là doanh nghiệp lớn mới lãi cao bởi họ “tự làm từ A-Z”. Tiếp đó là thương lái, người làm khâu trung gian như thu mua, giết mổ.

Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung lợn giống giảm, chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn tăng. Vào tuần đầu tháng 3, nhu cầu mua hàng từ các thương lái tăng nên một số cơ sở chăn nuôi có hiện tượng hạn chế lượng bán ra để chờ giá tăng.

Bên cạnh đó, đa phần các lò giết mổ thịt lợn có quy mô nhỏ, phải mua qua các đơn vị mua buôn, sau đó giết mổ và phân phối đến chợ bán buôn và bán lẻ. Thực trạng có nhiều cấp trung gian thu mua và giết mổ lợn cũng khiến mặt hàng này bị “đội” giá.


Tăng nhập khẩu có kéo được giá thịt lợn xuống 60.000 đồng/kg?

Đối với phương án tăng nhập khẩu để điều chỉnh giá thịt lợn trong nước xuống, ông Nguyễn Đình Bích đánh giá khả năng điều tiết giá của nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn là có, nhưng rất hạn chế. Ngoài ra, có nguy cơ ảnh hưởng đến động lực để phát triển sản xuất thịt lợn trong nước.

“Thứ nhất, giá thịt lợn trên thế giới không còn quá thấp. So với trong nước, thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn nhiều nhưng đó là giá mới về đến Việt Nam, còn cộng các chi phí trước khi đến tay người tiêu dùng. Thứ hai, nhu cầu của người Việt là thịt tươi chứ không phải thịt đông lạnh. Thịt nhập khẩu đa phần để chế biến”, ông Bích đưa ra 2 lý do.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng nếu thực tế xảy ra tình trạng thiếu hụt thịt lợn thì nên tăng nhập khẩu, với điều kiện nguồn hàng sạch, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Hiện tại, cần cân nhắc khi giá thịt lợn trên thế giới và đặc biệt tại Trung Quốc đang tăng nóng.

Dẫu vậy, quan trọng nhất vẫn là nội lực của người chăn nuôi Việt Nam, bởi liên quan tới sự phát triển bền vững, tạo ra công ăn việc làm, động lực phát triển cho ngành chăn nuôi của đất nước.

Tang nhap khau co keo gia thit lon xuong? hinh anh 2 thit_lon_Theglobeandmail.jpg

Theo ông Nguyễn Đình Bích, tăng nhập khẩu sẽ kéo giá mặt hàng thịt lợn trong nước xuống, nhưng rất hạn chế. Ảnh:

theglobeandmail.

Theo C.P Việt Nam, việc nhập khẩu thịt lợn để bù đắp thiếu hụt tức thời là cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần quan tâm, kiểm tra chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và dịch bệnh, đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi vẫn còn ở nhiều nước.

“Cùng với những chính sách khuyến khích nhập khẩu thịt lợn, Nhà nước cũng cần có chính sách tốt để phát triển chăn nuôi lợn trong nước, đảm bảo là nguồn cung bền vững, an ninh lâu dài”, đại diện C.P Việt Nam nói với

Zing.vn.

Thực tế, Bộ NN&PTNT cũng từng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra mới đây. Theo Bộ NN&PTNT, trường hợp đã mở cửa thị trường, sau này muốn nâng giá thịt lợn trong nước lên, hoặc giải cứu thịt lợn là rất khó.

“Giá cao quá thì hàng hóa ở nơi khác vào, tự ta đánh mất thị trường ở chính chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tính đến ngày 15/3, Việt Nam nhập khẩu hơn 25.291 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng nhập khẩu chủ yếu từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Mỹ 5,53%.

Ngày 25/3 vừa qua, Bộ NN&PTNT cho biết đã có gần 1.500 tấn thịt lợn Nga cập cảng Cát Lái, Hải Phòng và Phước Long của Việt Nam. Bên cạnh đó, có thêm khoảng 2.000 tấn thịt lợn Nga nữa chuẩn bị nhập khẩu vào Việt Nam.