Sốt đất đi qua: Chật vật cắt lỗ, nhà đầu tư dần thận trọng

Tháng 3.2020, thông tin dự án của 1 tập đoàn lớn sắp được xây dựng khiến giá đất Thạch Thất, Hà Nội tăng vọt. Ảnh: Cường Ngô

Đi qua cơn sốt…

Trong những cơn sốt đất thời gian qua, nhiều nhà đầu tư quyết định lướt sóng đất nền tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Lợi nhuận cao, lại thêm tâm lý đám đông khiến không ít người đổ tiền mua đất dù không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Chỉ cần thông tin dự án của một tập đoàn lớn chuẩn bị triển khai, giá đất bắt đầu được thổi với tốc độ chóng mặt. Hàng chục, thậm chí cả trăm môi giới liên tiếp dẫn khách đến xem đất. Hàng dài ôtô nối đuôi nhau khiến giao thông của những vùng quê nghèo cũng trở nên tắc nghẽn.

Thế nhưng khi “tiệc tàn”, thông tin được đính chính, một số người lướt sóng thành công hưởng lợi nhuận khủng. Những người ở lại loay hoay tìm cách cắt lỗ, ngỡ ngàng chứng kiến cảnh đất mất giá.

Tháng 3.2020, thông tin dự án của 1 tập đoàn lớn sắp được xây dựng khiến giá đất Thạch Thất, Hà Nội tăng vọt. Ảnh: Cường Ngô
Tháng 3.2020, thông tin dự án của 1 tập đoàn lớn sắp được xây dựng khiến giá đất Thạch Thất, Hà Nội tăng vọt. Ảnh: Cường Ngô

Trở lại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), những ngày này không còn cảnh dòng người đông đúc xem đất. Đất nền ở đây từng “sốt bỏng tay” sau thông tin chưa được kiểm chứng về việc sẽ có một tập đoàn lớn dự kiến xây khu đô thị hồi đầu năm 2020. Đến nay những lô đất vốn được sang tay liên tục trở thành địa điểm chăn trâu bò lý tưởng cho người dân địa phương.

Anh Văn Anh, một người dân địa phương nói: “Giá đất tăng cao thì người dân bán ra có lợi. Chỉ là giờ hạ nhiệt rồi, ai còn đất ở đây chưa bán được thì chấp nhận lỗ. Ai nhiều tiền thì cứ để đất đấy, sau này chờ tăng lại. Ai không có tiền, giờ cắt lỗ cũng không có người mua”.

Nhà đầu tư ngày càng thận trọng

Là một nhà đầu tư “tay ngang”, xuống tiền khi chứng kiến đất tăng giá chóng mặt, bà Nguyễn Thị Quy (Tam Nông – Phú Thọ) rầu rĩ: “Bạn bè tôi nhiều người tay ngang sang đầu tư đất và thành công nên tôi cũng muốn thử. Không có đủ tiền vợ chồng tôi quyết định vay ngân hàng thêm. Không ngờ sóng hết nhanh như vậy. Giờ ôm đất ở đây trả nợ ngân hàng. Bán thì chật vật mãi chưa có người mua, và mất giá quá. Chính tôi cũng không nghĩ sẽ ôm khoản nợ mấy trăm triệu như thế”.

Trao đổi với PV Lao Động, anh Nguyễn Mạnh Dũng – nhân viên môi giới bất động sản của một công ty ở Hà Nội thừa nhận, hiện tại tâm lý e dè khi đầu tư đất nền xuất hiện khá phổ biến.

“Trước đây khi có dự án, khách đổ về liên tục. Có những khách cọc không nhanh là có người khác cọc mất ngay. Hiện tại giao dịch ít hơn nhiều. Đất có đầy đủ giấy tờ, đảm bảo pháp lý nhưng khách vẫn lăn tăn. Đặc biệt là không thấy, hoặc rất ít khách còn dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư nữa.

Những người môi giới các dự án như tôi còn có tệp khách hàng quen và vẫn giao dịch được. Những người được gọi là cò đất, chạy theo sốt đất ảo thì bỏ nghề hết rồi. Tôi có người bạn trước đây kiếm được khá nhiều tiền vì chạy theo sốt đất, giờ cũng bỏ nghề về quê mở cửa tiệm bán hàng”, anh Dũng nói.

Thời gian qua, một số khu vực thuộc Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc liên tục diễn ra tình trạng sốt đất. Ảnh: Phan Anh
Thời gian qua, một số khu vực thuộc Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc liên tục diễn ra tình trạng sốt đất. Ảnh: Phan Anh

Dự báo về sự phục hồi của thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng có những điểm sáng nhưng vẫn còn khó khăn bao trùm và cần sớm củng cố niềm tin để đưa thị trường về thế cân bằng.

Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc ở Hà Nội chia sẻ, các sự kiện tiêu cực diễn ra gần đây khiến khách hàng chuyển sang tâm lý phòng thủ, “niềm tin” vào các dự án hình thành trong tương lai giảm dần vì lo tranh chấp pháp lý, tiến độ hoàn thành. Điều đó cũng là nguyên nhân của câu chuyện chủ đầu tư tung nhiều ưu đãi lớn nhưng khách hàng không mặn mà. “Giao dịch trên thị trường ngày một ít đi, thanh khoản giảm ở mọi phân khúc, giá BĐS giảm cục bộ, đặc biệt ở phân khúc đất nền tại các điểm nóng từ trước đến nay” – vị này cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *