Sau những vụ ô nhiễm nước và không khí, rất cần thêm các công trình xanh

Nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt thời gian qua, chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, một bộ phận cư dân Hà Nội lại phải đối diện với sự việc nước sinh hoạt nhiễm dầu, chưa bao giờ những nguy cơ ô nhiễm từ không khí và nước lại được cảnh báo nhiều như vậy.

Sau những vụ ô nhiễm nước và không khí, rất cần thêm các công trình xanh

Đây là vấn đề được các chuyên gia bàn luận trong Tọa đàm Cà phê xanh: “Nước và không khí trong phát triển công trình xanh” do Tập đoàn Capital House phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức vào chiều ngày 22/10.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Tổng biên tập Reatimes


Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí Reatimes cho biết, vấn đề về môi trường đang rất nóng và nổi cộm, nhất là sau vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà và vụ cháy nhà máy bóng đèn Rạng Đông thời gian vừa qua.

Chúng ta có 3 thứ không thể thiếu. Một là thực phẩm để ăn, nhưng không ăn một tuần thì cũng không… chết. Nhưng chúng ta không thể nhịn thở hoặc phải hít thở không khí kém chất lượng thì sẽ ảnh hưởng ngay đến sức khỏe và nước cũng vậy.

Chính vì vậy, giải quyết vấn đề về ô nhiễm môi trường hiện nay là bài toán cấp thiết đối với mỗi người dân. Trong đó, những công trình xanh có vai trò quan trọng trong việc giải quyết một phần nào đó chất lượng không khí, chất lượng nước cho cuộc sống của từng cá nhân.

Theo ông Toan, các biện pháp khắc phục hiện nay chỉ mang tính tạm thời, thực tế, khi nguồn ô nhiễm không được xử lý thì người dân vẫn sẽ phải đối mặt với nước bẩn, không khí bẩn trong một tương lai không xa. Vì vậy, trước hết, khắc phục môi trường sống ở đô thị là câu chuyện rất dài, nhưng ít nhất, chúng ta có thể làm từ những điều nhỏ ngay từ việc thay đổi chất lượng không khí, chất lượng nước trong ngôi nhà của chính chúng ta.

Ông Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu PAM Air


Đồng quan điểm, ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu PAM Air cho biết: “Ở góc độ người dân và là người làm về công nghệ đã được tham gia nhiều sự kiện về không khí, theo tôi, ô nhiễm không khí Hà Nội không phải là mới. Chỉ là trước đây chúng ta mới có số liệu quan trắc từ đại sứ quán Mỹ, còn thời gian gần đây rộ lên nhiều thông tin vì có thêm nhiều điểm đặt máy quan trắc, có nhiều số liệu cung cấp hơn”.

Để hiểu rõ được vấn đề và tình trạng ô nhiễm, bản thân người dân phải hiểu rõ căn nguyên của tình trạng ô nhiễm để từ đó nắm rõ cách phòng tránh. Điển hình như thực tế, nhiều người nói ô nhiễm do giao thông, xe cộ, nhưng đến nay, chưa có con số thống kê giao thông đóng góp bao nhiêu % gây ô nhiễm không khí, còn lại chỉ là về cảm quan là thấy nó có khả năng ô nhiễm mà thôi.

“Do đó, muốn giảm thiểu được ô nhiễm không khí, trước hết, chúng ta phải biết không khí đang ở trong hiện trạng nào” ông Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

Tương tự, theo PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cũng phải thừa nhận thực tế rằng thời gian qua chất lượng không khí, chất lượng nước ảnh hưởng đến đời sống người dân rất rõ nét.

Thời gian gần đây, chúng ta cảm giác môi trường nóng hơn rất nhiều và được thể hiện qua những thông tin, con số cụ thể, tuy nhiên, có một số yếu tố đột biến có thể nhìn nhận ra, đó là chúng ta đã đô thị hóa rất nhanh và không đưa được ra các tiêu chuẩn đảm bảo.

Tăng trưởng kinh tế tốt và đúng nhưng chưa phù hợp với yêu cầu của môi trường, các trụ cột giữa môi trường – kinh tế – xã hội chưa bền vững. Có những giai đoạn, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải chứ chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.

“Luật pháp liên quan đến môi trường, công trình xanh đã có tương đối nhưng chúng ta chưa thực hiện quyết liệt. Do đó, để phát triển bền vững cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân”, bà An nói.

Ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House cho biết, để cải thiện chất lượng nước và không khí của một quận, huyện, thành phố, tỉnh hay cả nước thì cần sự chung tay đồng lòng của cả xã hội. Xã hội là bao hàm cả doanh nghiệp, là người dân, không phải tất cả đều dựa vào Nhà nước.

“Tất nhiên, các doanh nghiệp khi làm sẽ có nhiều tính toán về mặt chi phí, tuy nhiên, thực tế cho thấy bỏ ra 1 đồng nhưng giá trị 50 năm vòng đời dự án thì mang lại giá trị không thể đo đếm được, đặc biệt là trong bối cảnh ô nhiễm như hiện nay” ông Bách chia sẻ và cho biết khi có sự việc nguồn nước nhiễm dầu thì thấy cư dân may mắn, chủ đầu tư sáng suốt khi lựa chọn phương án giúp cư dân không phải lo lắng, chịu ảnh hưởng khi sự cố nước xảy ra.

Ông Bách cũng chia sẻ thêm, đối với Ecolife

 Capitol, ngay từ ban đầu chủ đầu tư đã lắp đặt màng lọc nước, ở lớp màng lọc thô có than hoạt tính, cát sỏi…, Styren trong dầu có thể hấp thụ bởi than hoạt tính. Hệ thống lọc đó tiếp tục qua màng micro – màng siêu lọc – để đảm bảo chất lượng nước đầu ra. 


Các dự án tiếp theo của Capital House như EcoHome 3 sẽ bàn giao quý III, IV/2020 cũng trang bị hệ thống lọc tương tự, tại đó phát triển thêm hơn 4.000 m2 cây xanh.