Vì sao nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch TP Phan Thiết bị truy tố?

Ngày 24/4, thông tin từ Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, Đại tá Phạm Thật – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ký kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 6 bị can nguyên là cán bộ thuộc UBND TP Phan Thiết về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; trong đó có ông Đỗ Ngọc Điệp – nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết và ông Trần Hoàng Khôi – nguyên Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết.

Vì sao nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch TP Phan Thiết bị truy tố? - 1

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về quản lý đất đai, 6 bị can này đã cố tình cho chuyển mục đích trái pháp luật 132 thửa đất với tổng diện tích gần 171.000m2 làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết.

Bị can Đỗ Ngọc Điệp là người trực tiếp ký 32 quyết định cho phép chuyển mục đích với hơn 46.000 m2 đất nhưng lại không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo quy định.

Ngoài ra, ông Điệp còn đưa những quy định đã hết hiệu lực áp dụng làm căn cứ để ký quyết định này. Cụ thể, dùng từ “Cụm dân cư nhà vườn” không phải là một loại đất theo quy định của Luật Đất đai và cũng không có trên bản đồ kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết để làm căn cứ ký các quyết định trái pháp luật.

Đặc biệt, ngày 24/12/2013, ông Điệp ký 3 quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) của các xã Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm.

Lúc này ông Điệp đã biết Bản đồ giấy quy hoạch sử dụng đất của 2 xã Thiện Nghiệp và Phong Nẫm chưa hoàn thiện và chưa được đơn vị tư vấn ký, chưa bàn giao chính thức nhưng ông Điệp vẫn ký vào 2 bản đồ giấy quy hoạch giao cho 2 xã Thiện Nghiệp và Phong Nẫm để các xã này sử dụng trong quá trình quản lý đất đai.

Đến ngày 26/9/2014, đơn vị tư vấn mới chính thức bàn giao các sản phẩm quy hoạch của 2 xã Thiện Nghiệp và Phong Nẫm, trong đó có bản đồ giấy quy hoạch sử dụng đất.

Kết quả giám định cho thấy, tại một số vị trí trên bản đồ giấy quy hoạch sử dụng đất của 2 xã Thiện Nghiệp và Phong Nẫm do ông Điệp ký ngày 24/12/2013 không phù hợp với Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Phan Thiết đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 32 thửa đất trên trị giá gần 5 tỷ đồng.

Bị can Trần Hoàng Khôi là người ký 100 quyết định cho chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở trái pháp luật với tổng diện tích hơn 124.000 m2.

Vì sao nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch TP Phan Thiết bị truy tố? - 2
Cơ quan điều tra đọc quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hoàng Khôi – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết (người mặc áo sơ mi trắng)

Quá trình điều tra, xác định bị can Khôi ký các quyết định trên là cố ý bởi biết rất rõ các căn cứ, trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật đất đai đang có hiệu lực thi hành vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong số 100 hồ sơ (thửa đất) mà ông Khôi ký cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có tổng cộng 77 thửa đất được phòng Quản lý đô thị báo cáo vị trí thửa đất là đất quy hoạch cây trồng lâu năm hoặc một phần là đất ở xen lẫn với các loại đất khác theo Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch nông thôn mới của TP Phan Thiết.

Đặc biệt, có những hồ sơ chuyển mục đích sử đích đất chính bị can ký trả hồ sơ vì không đủ điều kiện, nhưng sau đó cũng chính ông Khôi lại ký quyết định cho chuyển mục đích đất dù căn cứ và điều kiện không có gì thay đổi.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, 100 thửa đất nông nghiệp trên trị giá hơn 8,6 tỷ đồng.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, hành vi của các bị can đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn TP Phan Thiết, đặc biệt đã làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc này cũng đã làm mất uy tín, lòng tin của nhân dân vào công tác quản lý đất đai, đô thị tại TP Phan Thiết.

Do đó đối với 132 thửa đất với diện tích hơn 170.000 m2 chuyển mục đích trái pháp luật cần phải được xem xét hủy bỏ để trả lại đúng mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt.


Trúc Hà