Sàn giao dịch bất động sản đìu hiu những ngày cuối năm

Sàn giao dịch bất động sản đìu hiu những ngày cuối năm
Sàn giao dịch bất động sản đìu hiu những ngày cuối năm
Một sàn giao dịch bất động sản thành chỗ rửa xe. Ảnh Cao Nguyên.

Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, nguồn cung thị trường BĐS đang có xu hướng giảm rõ rệt, chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Tỉ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Giá BĐS có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại…

Báo cáo của VARS trong 9 tháng đầu năm cho biết, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, bằng 20% so với năm 2019. Tỉ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%.

Thời gian gần đây, các sàn giao dịch gần như không có khách. Ảnh Cao Nguyên.
Các sàn giao dịch gần đây thưa người ra vào. Ảnh Cao Nguyên.

Ghi nhận của PV tại nhiều sàn giao dịch ở các địa điểm khác nhau trên địa bàn Hà Nội cho thấy không còn cảnh tấp nập như trước đây. Điển hình tại khu Dương Nội, Lê Văn Lương kéo dài, khu vực Nam An Khánh, Vân Canh, Trung Văn….

Tại khu vực dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài – vốn được mệnh danh là “thiên đường của môi giới BĐS”, nếu như đến tận cuối năm ngoái, nơi đây tập trung ngót dăm bảy chục sàn giao dịch, văn phòng môi giới nhà đất, đến nay số đó cũng đã “rơi rụng” đi hơn nửa.

Ông Nguyễn Gia Bảo – Giám đốc sàn giao dịch BĐS Bảo Gia trên đường Lê Văn Lương cho hay, hồi giữa năm nay khu vực xung quanh sàn của ông cũng có đến trên 10 sàn giao dịch BĐS, thì nay chỉ còn lại 3 sàn và cũng không cạnh tranh, giành giật gì với nhau nữa.

Theo ông Bảo, sở dĩ số ít các sàn giao dịch còn sống được đến thời điểm này là do hội tụ được hai yếu tố: Đầu tiên là có “vốn dắt lưng kha khá”; tiếp đến do đã có khá nhiều mối quan hệ bao gồm cả khách hàng gửi bán và khách nhờ mua. Còn nếu chỉ trông chờ vào khách vãng lai như thời gian trước thì các sàn này cũng đã đóng cửa từ lâu.

 
Một sàn giao dịch trong tình trạng cửa đóng then cài. Ảnh Cao Nguyên.

“Đến đầu năm nay, chúng tôi vẫn phải cạnh tranh với hàng chục sàn giao dịch mọc lên chỉ trên một đoạn đường ngắn chưa đầy một cây số. Thế nhưng, do thị trường tuột dốc, không ai mua bán gì nên hầu hết các sàn là tân binh đã phải tự đóng cửa vì không trụ nổi chi phí thuê mặt bằng, trả lương, điện nước… lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng”, đại diện một sàn giao dịch tại Dương Nội cho hay.

Ngay cả với những sàn giao dịch trụ lại được đến thời điểm này cũng gặp không ít khó khăn. Một phần do khách hàng nhờ mua, bán giảm mạnh, nguồn thu từ phí môi giới cũng giảm rõ rệt nên chi phí trang trải cho hoạt động cả sàn cũng eo hẹp hơn.

 
Một số sàn giao dịch trụ lại được đến thời điểm này cũng ít thấy cảnh giao dịch tấp nập. Ảnh Cao Nguyên.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là do thị trường khó khăn, trong khi hầu hết các hàng hóa được gửi phần lớn lại là đất liền kề, đất biệt thự hay chung cư cao cấp nên giá thường không dưới 3.5 tỉ đồng.

Do vậy, để có nguồn sống, hầu hết các sàn BĐS đang hoạt động hiện nay đều phải tự đi tìm những nguồn hàng phù hợp với nhu cầu của khách, trong đó phần lớn là căn hộ và đất thổ cư dưới 2 tỉ đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *