Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 chính thức hết hiệu lực

Chính phủ vừa ban hành Danh mục 24 quy hoạch các ngành nghề hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 24 quy hoạch có Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 là liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch hết hiệu lực để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Khẩn trương nghiên cứu và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân công khi các quy hoạch trên hết hiệu lực phù hợp với yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam, đến năm 2020 cả nước có 89 sân golf, trong đó:

Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ: dự kiến toàn vùng quy hoạch có 11 dự án sân golf, với tổng diện tích đất dự kiến là 1.456 ha, trên địa bàn của 5 tỉnh.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: dự kiến toàn vùng quy hoạch 16 dự án sân golf, với tổng diện tích đất dự kiến là 1.909,7 ha, trên địa bàn của 6 tỉnh, thành phố.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ: dự kiến toàn vùng quy hoạch có 29 dự án, với tổng diện tích đất dự kiến là 2.943 ha, trên địa bàn của 12 tỉnh, thành phố.

Vùng Tây Nguyên: dự kiến toàn vùng quy hoạch có 8 dự án, với tổng diện tích đất dự kiến là 839 ha, trên địa bàn của 3 tỉnh, thành phố.

Vùng Đông Nam Bộ: dự kiến toàn vùng quy hoạch có 21 dự án, với tổng diện tích đất dự kiến là 2.376 ha, trên địa bàn của 5 tỉnh, thành phố.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dự kiến toàn vùng quy hoạch có 4 dự án, với tổng diện tích đất dự kiến là 461 ha, trên địa bàn của 3 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, chính sách quy hoạch sân golf bắt đầu bộc lộ những điểm bất cập.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay cả nước mới chỉ có gần 30 dự án golf được thực hiện và đưa vào khai khác. Và có nghịch lý là có sân golf hoạt động hiệu quả, có sân không hiệu quả, vắng khách. Và có tỉnh thì xin rút sân golf khỏi quy hoạch, có tỉnh lại muốn “xin thêm” sân golf,…

Vì vậy có nhiều ý kiến cho là, quy hoạch sân golf hiện tại đang tạo ra sự lệch pha giữa cung và cầu, kìm hãm sự phát triển của thị trường golf Việt.


Luật Quy hoạch 2017

Luật Quy hoạch được Chính phủ trình ra Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/11/2017, với 433/455 đại biểu tán thành đạt 88,19%, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019; còn các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2018.

Tư tưởng đổi mới nổi bật của Luật Quy hoạch, đó là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.