Phương thức quản trị ‘lạt mềm buộc chặt’ của Phó TGĐ Sài Gòn Food: ‘Muốn nhổ răng thì trước tiên phải chích thuốc tê’

Phương thức quản trị ‘lạt mềm buộc chặt’ của Phó TGĐ Sài Gòn Food: ‘Muốn nhổ răng thì trước tiên phải chích thuốc tê’

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó TGĐ Sài Gòn Food

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food quan niệm việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên tương tự như bảo vệ hàm răng của chính mình. Khi nhổ răng phải chích thuốc tê cho đỡ đau, do đó khi muốn phê bình ai đó thì trước tiên phải nghĩ đến cảm xúc của họ.

Bên cạnh việc tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường ở nhiều dòng sản phẩm như lẩu đông lạnh, cháo tươi và bữa ăn tươi… Sài Gòn Foood còn đề cao về văn hóa quản trị doanh nghiệp.

Để điều hành đội ngũ nhân sự lên đến 2.000 người cùng hướng về một mục tiêu chung, Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food cho biết đơn vị đã áp dụng phương thức quản trị nhân sự theo phương pháp “lạt mềm buộc chặt”. Cụ thể là những năm qua, doanh nghiệp luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu, tập trung chăm sóc đời sống công nhân viên và luôn xem họ như “người trong một nhà” để quan tâm cảm xúc và biết cách thay đổi theo từng thời điểm.


Ở Sài Gòn Food, dù là nam hay nữ cũng đều phải học cách yêu thương

Bà Thanh Lâm cho biết, hằng năm công ty đều cố gắng tổ chức vài buổi chia sẻ nội bộ với chủ đề duy nhất là “Tình yêu thương”. Năm nay, Sài Gòn Food đã chọn ngày 8/3 để nói về chủ đề này. Phó TGĐ Phạm Thị Thanh Lâm chia sẻ rằng bà muốn mọi nhân viên trong công ty, đặc biệt là khối văn phòng, lãnh đạo phải hiểu được hai chữ yêu thương trong quản trị chứ không chỉ riêng phụ nữ.

“Yêu thương thì bất cứ ai cũng có thể cho đi chứ không nhất thiết phải là phụ nữ. Do đó, tôi muốn các nhân viên ở cấp lãnh đạo phải có sự bao dung với cấp dưới. Trong 5 giá trị cốt lõi khi quản trị doanh nghiệp thì có 2 giá trị cốt lõi là chân tình và chia sẻ. Do đó, tôi quan niệm để điều hành một doanh nghiệp đi lên thì trong quá trình đó phải có sự tận tâm, chú trọng cách xử sự với con người”, bà Lâm nhấn mạnh.

Theo vị nữ Phó tổng, Sài Gòn Food luôn tạo ra môi trường làm việc thoải mái và thân thiện để mọi nhân viên luôn cảm thấy gần gũi như được làm việc tại mình. Do đó, những năm qua có không ít người bị kỷ luật vì sai sót, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn không rời bỏ công ty. Nhiều người đang ở cấp lãnh đạo nhưng vẫn chấp nhận lùi về cấp phó và tiếp tục phấn đấu để trở lại vị trí ban đầu. Bởi lẽ, họ biết đây là môi trường luôn bao dung, nơi mà mọi sự cố gắng đều được ghi nhận.

Thậm chí, có nhiều trường hợp sai phạm nặng, từ cấp lãnh đạo bị giáng xuống làm nhân viên nhưng họ vẫn không rời đi mà tiếp tục ở lại để chứng minh bản thân. Theo bà Lâm, nếu một công ty khác thì khó chấp nhận chuyện đó nhưng Sài Gòn Food vẫn sẵn sàng tạo cơ hội cho nhân viên được làm lại từ đầu, miễn là người đó có tâm huyết và thật tâm muốn gắn bó.

“Tuy nhiên, một khi đã bị kỷ luật thì bản thân họ phải cố gắng nhiều hơn những người khác vì không có ai được ưu ái ở đây cả. Họ vẫn phải làm việc và phấn đấu như một người bình thường. Chỉ có điều là chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện, đồng thời cho họ thấy không hề có sự phân biệt đối xử giữa người bị kỷ luật hay các nhân viên khác. Tôi tạo cơ hội cho anh được phấn đấu và chứng minh bản thân đã thay đổi”, bà Lâm nói.


Muốn nhổ răng thì trước tiên phải chích thuốc tê

Theo bà Lâm, việc quản trị nhân sự cũng giống như việc chăm sóc một hàm răng. Người lãnh đạo phải luôn quan tâm đến nhân viên mỗi ngày và nếu muốn tác động thì phải dùng “thuốc tê” cho bớt đau. Cụ thể là ngay cả trong giao tiếp hằng ngày hay khi nhân viên mắc lỗi thì lãnh đạo cũng phải thận trọng và nghĩ đến cảm xúc của họ.

“Phương pháp mà Sài Gòn Food đang làm chính là phương pháp trong ‘Đắc nhân tâm’ đã từng đề cập. Thẳng thắn là tốt nhưng làm nhân sự phải biết ‘nhổ răng thì phải chích thuốc tê’. Bình thường nếu bạn muốn nhổ răng thì nha sĩ sẽ chích thuốc tê cho bớt đau. Do đó, một lãnh đạo muốn gọi ai đó lên phê bình, kỷ luật thì trước tiên nói nghĩ đến những thứ họ đã đóng góp. Nói cho họ biết họ đã làm được những gì và doanh nghiệp biết ơn họ ra sao, sau đó mới ra quyết định dựa theo những đóng góp này”, bà Thanh Lâm nêu quan điểm.

Cũng theo Phó TGĐ Sài Gòn Food, ngoài việc cố gắng giảm bớt việc trừng phạt nhân viên thì đơn vị này vẫn đang tạo điều kiện cho chính những nhân sự đã nghỉ việc nhưng vẫn có nhu cầu muốn quay lại. Khi nhận về những người này, Sài Gòn Food chấp nhận đánh cược với một niềm tin rằng họ đã nhận ra giá trị của nơi từng gắn bó.

“Chúng tôi ‘đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại’. Có thể họ vi phạm ở lĩnh vực này nhưng vẫn có những thế mạnh khác. Thậm chí những người đã đi tù vẫn có cơ hội được làm lại cuộc đời thì tại sao với một nhân viên chúng ta lại không tạo cơ hội cho họ được chứng minh bản thân. Việc rời bỏ có thể là do mục tiêu đặt ra không phù hợp với mục tiêu công ty nhưng nếu họ đã có thiện chí quay lại thì nên xem xét”, bà Lâm chia sẻ.

Bà Lâm cho biết ngoài bộ phận quản trị thì lượng công nhân ở Sài Gòn Food cũng nhiều lần bị các đơn vị khác chiêu dụ. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc ở đơn vị khác, mặc dù lương và chế độ đãi ngộ cao hơn nhưng không ít người trong số đó đã xin quay về. Ban đầu, bà Lâm và hệ thống phải đắn đo, trăn trở rất nhiều, cân nhắc với những câu hỏi “Nếu để họ đi thì mất gì?” và “Nếu nhận lại thì được gì”. Cuối cùng, Sài Gòn Food quyết định tạo điều kiện cho tất cả được trở về để tiếp tục cống hiến với điều kiện là người lãnh đạo họ phải bảo lãnh, quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng có một số người bị từ chối quay lại bởi không giãi bày được thiện chí.

Tuy nhiên, theo bà Lâm thì tại Sài Gòn Food tỷ lệ nghỉ lệ nghỉ việc rất thấp, đa phần là người gắn bó lâu năm. “Dù vậy khi đi chung với nhau một chặng đường thì công ty có những thay đổi mới, tới một lúc nào đó công ty đòi hỏi nhân sự ở cấp độ cao hơn. Nếu anh không chịu thay đổi, anh không theo kịp thì phải chấp nhận lùi lại để tuyển người mới và xuống làm cấp phó. Còn người không chấp nhận thì sẽ chia tay để tìm hướng đi mới. Việc gãy đổ liên kết là bình thường ở bất kể doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, khi không hợp tác nữa thì chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ luôn tốt đẹp”, bà Lâm cho hay.

Khánh Hòa

Theo Nhịp Sống Việt