Phê duyệt hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở: Sự chậm trễ đáng trách

Ảnh minh họa. Nhà ở xã hội trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

Ảnh minh họa. Nhà ở xã hội trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng

Bộ Xây dựng vừa có Công văn 5462/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo về kết quả phát triển nhà ở trong năm 2022. Cụ thể, để thực hiện quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Nhà ở về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 làm cơ sở cho việc chấp thuận, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số tỉnh, TP chưa phê duyệt hoặc điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, chưa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022. Thậm chí, có địa phương thực hiện điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở không đúng quy trình theo quy định, của Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Nhà ở, các văn bản hướng dẫn nêu trên của Chính phủ và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chưa xây dựng, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, khẩn trương thực hiện theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Sau khi có Chương trình phát triển nhà ở phải xây dựng hoặc điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, theo quy định cho phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở đã phê duyệt. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trước ngày 30/12/2022 phải có báo cáo kết quả phát triển nhà ở trong năm 2022.

Thực tế, trong những năm qua, nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn được phát triển mạnh nhưng vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp. Sự chênh lệch cung – cầu về nhà ở đã và đang làm mất cân đối thị trường bất động sản, dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền. Mà rõ nhất là giá nhà ở ngày càng tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của đại đa số người lao động. Nhiều dự án, khu nhà ở xây dựng xong bỏ hoang suốt nhiều năm, trong khi hàng nghìn người có khó khăn về nhà ở vẫn phải sinh hoạt ở căn nhà xuống cấp, nguy hiểm…

Nếu sự chậm trễ phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở lặp lại sẽ khiến nguồn cung nhà ở không theo kịp nhu cầu cuộc sống. Vì thế, người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và cần chủ động, kiên quyết hơn trong chỉ đạo, điều hành. Chủ trương, chính sách đầu tư phát triển nhà ở vẫn luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, bởi “có an cư mới lạc nghiệp”. Việc phê duyệt hoặc điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở đối với từng giai đoạn nhất định là tiền để phát huy tốt nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để đưa các đô thị phát triển đúng định hướng, tạo sự đột phá.

Thuần Hưng

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *