Số phận pháp lý các dự án liên quan đến Vũ “nhôm”

Từ ngày 2/1/2020, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử Phan Văn Anh Vũ (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng 79 và CTCP Xây dựng Bắc Nam 79) và các cựu lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Thị trường đặc biệt quan tâm đến 5 dự án bất động sản liên quan trong vụ án này vì có hơn 300 khách hàng đã có giao dịch chuyển nhượng.

Số phận pháp lý các dự án liên quan đến Vũ “nhôm”



Thu hồi 3 dự án nghìn tỷ




3 dự án được cơ quan công tố đề nghị thu hồi gồm: dự án 29 ha thuộc Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước, dự án Phú Gia Compound và dự án 3,77 ha tại phường Hoàng Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Dự án 29 ha thuộc Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước nằm trên địa bàn phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu.

Vào ngày 6/7/2012, UBND TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho CTCP Xây dựng 79 (đơn vị liên doanh với chủ đầu tư là Công ty TNHH Daewon Cantavil).

Đến ngày 24/11/2015, Công ty Daewon Cantavil đã chuyển nhượng 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước cho Công ty Xây dựng 79 với giá 341 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty TNHH Phát triển nhà Đa Phước được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước, do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch.

Vài ngày sau, Vũ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại công ty này cho ông Võ Ngọc Châu (ở TP.HCM) với giá 428 tỷ đồng.

Trong năm 2017, ông Châu đã thanh toán số tiền trên và hoàn tất giao dịch. Công ty đã xây dựng nhà liền kề thương mại và chung cư cao tầng.

Có 189 khách hàng đã mua, nhận 189 lô đất biệt thự, diện tích 16.630 m2. Tổng giá trị giao dịch là 1.280 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cho rằng, việc chuyển nhượng phần góp vốn bằng quyền sử dụng đất 29 ha giữa ông Phan Văn Anh Vũ và ông Võ Ngọc Châu là không ngay tình.

Bởi vì thời điểm quyết định giao đất được ban hành, giá trị khu đất trên là 4.788 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Vũ chỉ phải nộp số tiền 87 tỷ đồng vào ngân sách Thành phố.

Do đó, cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử tuyên theo hướng, giao UBND TP. Đà Nẵng hủy bỏ các quyết định trái pháp luật để thu hồi diện tích đất trên.

UBND TP. Đà Nẵng có trách nhiệm giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của ông Võ Ngọc Châu và 189 khách hàng theo quy định của Luật Đất đai.

Tương tự, cơ quan giữ quyền công tố cũng đề xuất thu hồi dự án Khu nhà ở Phú Gia Compound (số 126, Ông Ích Khiêm, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê).

Trước đó, năm 2007, UBND TP. Đà Nẵng giao khu đất trên cho một công ty khác. Viện Kiểm sát cho rằng, việc giao đất là trái quy định, không đúng đối tượng.

Văn bản số 3531/UBND-QLĐTh do ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND Thành phố) ký có nội dung cho phép chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho Nguyễn Quang Thành (em vợ Vũ) là trái pháp luật đất đai.

Năm 2016, Nguyễn Quang Thành tiếp tục chuyển đổi tên khu đất trên sang Công ty TNHH Phú Gia Compound theo chỉ đạo của Vũ.

Hiện, dự án trên vẫn đang đứng tên Công ty TNHH Phú Gia Compound, công ty thuộc sở hữu của Vũ.

Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng chưa thẩm định, chưa có phương án xác định giá đất để phê duyệt.

Do vậy, Công ty Phú Gia Compound chưa hoàn thành thủ tục pháp lý để chuyển mục đích sử dụng đất.

Được biết, chủ đầu tư đã hợp tác với Công ty Hùng Vạn Phúc, huy động 200 tỷ đồng để đầu tư dự án.

Năm 2019, Công ty Hùng Vạn Phúc đã ký hợp đồng huy động góp vốn với 115 khách hàng vào 123 căn nhà phố, số tiền 861 tỷ đồng. Số tiền khách hàng thực góp là 489 tỷ đồng.

Dự án 3,77 ha cũng có tình trạng như trên. Vào năm 2007, bị cáo Trần Văn Minh và Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) giao khu đất trên cho Công ty TNHH I.V.C, để xây dựng khu du lịch ven biển.

Đến nay, dự án vẫn đứng tên công ty này. Năm 2019, cơ quan điều tra đã kê biên nên cơ quan công tố đề xuất hủy bỏ quyết định giao đất trái pháp luật để thu hồi.


Đề nghị bồi thường hàng nghìn tỷ đồng

Với 2 dự án còn lại, gồm Khu đất ký hiệu A2, A4, A6, A8 thuộc Khu phức hợp đô thị, thương mại và dịch vụ cao tầng tại phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (Dự án Habour Ville); dự án An Cư 2, 3 mở rộng, Viện Kiểm sát cho rằng, không có căn cứ để thu hồi nên đề nghị các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền thất thoát.

Theo cơ quan công tố, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Vũ đã bán 525 lô đất tại Dự án Habour Ville cho các cá nhân, tổ chức, thu số tiền 416,9 tỷ đồng.

Cá nhân Vũ đứng tên sở hữu 2 thửa đất diện tích 1.774,7 m2 và 210,7 m2. Hai lô đất này cơ quan điều tra đã kê biên và định giá là 10,6 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Trần Văn Minh, Phan Xuân Ít (cựu Phó Chánh văn phòng UBND), Nguyễn Viết Vĩnh (cựu Trưởng phòng Quản lý đô thị) Nguyễn Đình Thống (cựu Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng) và Phan Văn Anh Vũ đã chuyển đổi tên, xác định lại đơn giá giao đất, cho giảm 10% tiền sử dụng đất đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 2.864 tỷ đồng.

Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Dân sự 2015, Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên buộc các bị cáo trên phải liên đới bồi thường số tiền 2.864 tỷ đồng.

Cùng quan điểm trên, với dự án An Cư 2,3 mở rộng, các bị cáo Trần Văn Minh, Phan Xuân Ít, Nguyễn Văn Cán (cựu Chánh văn phòng UBND), Nguyễn Quang Thành và Phan Văn Anh Vũ phải liên đới bồi thường 2.873 tỷ đồng.

Bởi lẽ, vào năm 2009, UBND quận Sơn Trà đã cấp 22 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 13.088,17 m2 cho Vũ.

Vũ đã bán 22 lô đất trên cho các cá nhân khác với giá trị trên hợp đồng là 252 tỷ đồng. Vì vậy, không có căn cứ để thu hồi dự án.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là quan điểm của cơ quan công tố, các chủ đầu tư và khách hàng vẫn phải chờ bản án có hiệu lực của tòa án.