Hà Nội: Tràn lan sai phạm xây dựng ở 4 huyện sắp lên quận”Hà Nội: Tràn lan sai phạm xây dựng ở 4 huyện sắp lên quận

Là các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội, 4 huyện được phê duyệt đề án lên quận là Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm đang đối mặt với tình trạng nhức nhối về trật tự xây dựng.

Hà Nội: Tràn lan sai phạm xây dựng ở 4 huyện sắp lên quận


Đi kèm với tốc độ đô thị hóa nhanh, các huyện được quy hoạch lên quận cũng đối mặt với tình trạng vi phạm xây dựng nghiêm trọng.


Nhiều sai phạm



Báo cáo đợt giám sát quy hoạch xây dựng tại Hà Nội của Thường trực HĐND TP. Hà Nội đưa ra đầu tháng 12/2019 đã cảnh báo về tình trạng xây dựng tùy tiện, không có hình ảnh kiến trúc đặc trưng, đặc biệt tại 92 xã/5 huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Theo đó, đối với các huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh như Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, đã được phê duyệt đề án lên quận, các quy hoạch đã được lập và phê duyệt trước đây như quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn các xã thuộc huyện đến nay nhiều điểm không còn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển từ huyện lên quận, từ xã lên phường như về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch, tính đặc thù 5 huyện, về dân số.

Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch tại các huyện hiện nay đang có bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thực hiện, chưa có định hướng tổng thể, chi tiết phù hợp thực tiễn yêu cầu quản lý trong tương lai khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận.

Theo Thường trực HĐND Thành phố, hầu hết các huyện chưa cắm được mốc giới quy hoạch, đặc biệt là mốc giới phân ranh giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoài đô thị, gây khó khăn cho công tác quản lý cấp giấy phép xây dựng tại địa phương.

Còn theo Sở Xây dựng Hà Nội, dù cơ bản có đầy đủ các chế tài để xử lý dứt điểm hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, nhưng thực tế, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội. Điển hình trong số đó có huyện Hoài Đức với 7 trường hợp xây trên đất nông nghiệp tại xã An Thượng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dọc tuyến đường trục chính vào Cụm công nghiệp La Phù xuất hiện một số công trình được xây thô có chiều cao từ 3 – 5 tầng với quy mô hoành tráng và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo tìm hiểu của phóng viên, những công trình nêu trên đều xây dựng không phép.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, Cụm công nghiệp La Phù phục vụ cho làng nghề, phục vụ cho hộ gia đình. Tại đây, người dân vừa ở vừa sản xuất. Cụm công nghiệp La Phù được hình thành từ năm 2001, đến năm 2003 – 2004 các hộ bắt đầu xây dựng và đến năm 2008 kín hết diện tích. Trong quá trình sử dụng có một số hộ dân sửa chữa, cơi nới. Sau khi báo chí phản ánh về việc nhà cao tầng xuất hiện tại Cụm công nghiệp, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xã và huyện phải có báo cáo giải trình. Thành phố cũng đã thành lập tổ công tác về làm việc và kiểm tra.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại 4 quận được phê duyệt lên quận năm 2025 là Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức và Gia Lâm, tình trạng vi phạm trong xây dựng diễn ra khá tràn lan.

Tại Đông Anh, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngày 6/10/2016, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký Quyết định số 5575/QĐ-UBND giao 12.478 m2 đất tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cửa hàng dịch vụ, siêu thị, câu lạc bộ thể dục thể thao.

Tuy nhiên, thay vì thực hiện theo theo quyết định của UBND Thành phố, công ty này lại xây dựng hàng loạt kho, nhà xưởng cho các đơn vị khác thuê hoạt động kinh doanh, sản xuất trên đất dự án. Trước thực trạng này, ngày 14/12/2017, UBND xã Nguyên Khê đã ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng của Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Hà Nội. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân sở tại, hiện tại các nhà xưởng này vẫn đang hoạt động bình thường.

Còn ở huyện Thanh Trì, không chỉ công trình dân sinh và doanh nghiệp nhỏ, mà sai phạm xảy ra với cả dự án bất động sản lớn. Trong đó, đáng kể là “Dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội số 35 làm chủ đầu tư, xây dựng trên ô đất CT5 có diện tích 5.000 m2 tại Khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1, xã Tân Triều.

Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 6018/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND TP. Hà Nội và Giấy phép xây dựng số 123/GPXD ngày 16/10/2017 do Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp, công trình có 27 tầng nổi (bao gồm 2 tầng dịch vụ, văn phòng; 25 tầng căn hộ, 1 tum thang kỹ thuật) và 3 tầng hầm. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế, nâng tổng số tầng văn phòng, dịch vụ lên 6 tầng, qua đó nâng tổng chiều cao tòa nhà lên 31 tầng (vượt 4 tầng).

Trong Công văn số 3519/SXD-TTr của Sở Xây dựng TP. Hà Nội gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã chỉ ra 11 điểm vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện thi công theo thiết kế tại dự án này. Đó là, chiều cao tầng 2 trong giấy phép là 6,45 m, nhưng thực tế thi công chỉ có 4,343 m; tương tự tầng 3 là 3,15 m, thực tế thi công là 3,43m; tầng 6 là 3,15 m, thực tế thi công là 6,8 m…


Cần xử lý triệt để

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết, sai phạm về trật tự xây dựng đã trở thành vấn nạn của TP. Hà Nội suốt thời gian qua. Điều này đã phá vỡ bộ mặt quy hoạch đô thị Thủ đô, trong khi Thủ đô đang hướng đến văn minh, hiện đại, thông minh.

Để xử lý vấn nạn xây dựng sai phép, không phép, chính quyền TP. Hà Nội đã nhiều lần ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xử lý, nhưng kết quả đạt được vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với chính mục tiêu đặt ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội và các địa phương cần kiến nghị Trung ương luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư và cá nhân vi phạm. Điều này sẽ giúp khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề đang được coi là phức tạp, là rào cản khiến các ngành chức năng “bó tay” trước sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Hà Nội cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các tổ chức Đảng, mà trước hết là trực tiếp xem xét, giải quyết từng vụ việc mới có thể mang lại hiệu quả.

Theo kiến trúc sư Vũ Quốc An, thực chất là việc nâng cao trách nhiêm, thái độ của những người đang thực thi pháp luật. Theo đó, cần làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng. Có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô.