Nội đô TP.HCM có thêm hàng loạt dự án nhà ở mới

Việc TP.HCM cấp phép bổ sung hàng chục dự án vào kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 được kỳ vọng sẽ giúp giải bài toán nguồn cung, nhưng cũng tạo ra nhiều băn khoăn cho các thành viên thị trường.

Nội đô TP.HCM có thêm hàng loạt dự án nhà ở mới



Tín hiệu vui




Ngày 20/11 vừa qua, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 4965 bổ sung 48 dự án nhà ở vào kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 (đợt 2), sau khi đã có hơn 160 dự án được cấp phép trước đó. Các dự án được bổ sung vào kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 có thời gian hoàn thành dự kiến từ năm 2020 – 2025.

Đáng chú ý, trong tổng số 48 dự án được bổ sung, chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội tại quận 9 và quận 2, còn lại đều là dự án nhà ở thương mại.

Trong các dự án nhà ở thương mại, phần lớn là các dự án ở khu vực các quận trung tâm hiện hữu. Cụ thể, quận 1 có 1 dự án; quận 2 có 10 dự án; quận 7 có 5 dự án; quận 9 có 4 dự án và 11 dự án tại các quận 8, Tân Bình, Tân Phú.

Khu vực ngoại thành có 10 dự án nhà ở thương mại, trong đó Bình Chánh 5 dự án, Hóc Môn 1 dự án, Nhà Bè 3 dự án, Củ Chi 1 dự án.

Có thể kể đến một số dự án cụ thể như dự án chung cư 99 Bến Bình Đông, quận 8 do Công ty cổ phần Địa ốc Chợ Lớn làm chủ đầu tư trên diện tích 24.645m2, tổng số 294 căn hộ chung cư. Dự án toàn nhà căn hộ – văn phòng – dịch vụ – thương mại dịch vụ HH2 thuộc Khu phước hợp Sài Gòn – Ba Son, quận 1 trên diện tích 50.272 m2.

Trước đó, ngày 14/11/2018, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 5087/QĐ-UBND quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu là 40 triệu m2 sàn; nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP.HCM đến năm 2020 tối thiểu là 19,8 m2/người, trong đó ở khu vực đô thị (bao gồm 19 quận) là 16,3 m2/người và khu vực nông thôn (bao gồm 5 huyện) là 20,9 m2/người.

Nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng 31.228.000 m2 sàn xây dựng. Nhà ở trong các dự án tăng thêm khoảng 8.772.319 m2 sàn xây dựng. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2.204.000 m2 sàn xây dựng.

Dự kiến, vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 316.769 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là 82.274 tỷ đồng, vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 212.661 tỷ đồng, vốn đầu tư nhà ở xã hội tối thiểu là 21.834 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo văn bản trên, TP.HCM hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm và nội đô. Tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3, từ nay đến năm 2020, không phát triển các dự án nhà ở mới.

Các quận nội thành gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang và cũng bị hạn chế phát triển các dự án nhà



ở mới.

Đối với các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, chỉ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang. Các địa bàn này được phép phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến Metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Còn các huyện vùng ven gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, ưu tiên phát triển nhà dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, Thành phố chủ trương không phát triển các dự án mới tại các địa bàn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.


Và những băn khoăn

Dù nhiều dự án mới được đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, nhưng khó có thể kỳ vọng vào sự gia tăng nguồn cung ngay, bởi trước đó, Thành phố cũng đưa cả trăm dự án vào chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nhiều dự án có thời hạn hoàn thành vào năm 2020, nhưng tới nay vẫn chưa thể triển khai.

Có thể kể đến dự án căn hộ chung cư số 29 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Khang An với diện tích sàn là 42.840 m2, gồm 612 căn hộ. Tiếp đến là dự án Chung cư The Century, số 134A Lý Chính Thắng, quận 3 của Tập đoàn Novaland, quy mô 25.600 m2, gồm 320 căn hộ chung cư. Theo giấy phép, dự án The Century năm 2020 phải hoàn thành, chủ đầu tư cũng đã làm móng, nhưng đang phải dừng thi công.

Hay như chung cư Terra Royal, số 280 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Intresco làm chủ đầu tư, quy mô 22.345 m2, với 366 căn hộ chung cư. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành năm 2019, nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện xây dựng….

Tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có tới 150 dự án bất động sản được cấp phép phát triển giai đoạn 2016 – 2020, nhưng vẫn chưa thể phát triển bởi vướng pháp lý.

“Năm 2018, UBND TP.HCM ra văn bản hạn chế phát triển dự án trung tâm nội đô thành phố, nhưng tới nay lại cho phát triển thêm dự án mới. Vậy tại sao Thành phố không giải quyết pháp lý cho 150 dự án đang vướng pháp lý để doanh nghiệp có thể phát triển từ các dự án trên?”, vị này thắc mắc.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị ách tắc, “đứng hình”, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung mới, nhất là căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng cung – cầu do nguồn cung quá ít, trong lúc nhu cầu quá cao, làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ.

“Thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy định pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật”, ông Châu cho biết.

Theo ông Châu, do thị trường bất động sản có độ trễ, nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho biết, hiện nay nhiều dự án bất động sản đã nộp hồ ơ pháp lý nhưng chưa được chính quyền giải quyết. Trong đó, công ty ông có 2 dự án ở quận 9 và Bình Chánh đã nộp giấy phép pháp lý gần 3 năm, nhưng chưa được giải quyết. Nếu Thành phố gỡ khó cho 150 dự án đang bị vướng mắc, thì sẽ khơi thông được nguồn cung, chứ không cần phải cấp phép dự án mới vào lúc này.