Hà Nội sẽ có “tổ đặc nhiệm” rà soát điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Các dự án đầu tư công mới khác, đã xong các thủ tục về đầu tư cũng như thủ tục lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công và sẽ giải ngân từ nay đến cuối năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ


Ba dư địa để Hà Nội tăng trưởng

Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới các mặt của đời sống xã hội.

Đại diện địa phương đầu tiên phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (10/4), người đứng đầu Đảng bộ TP. Hà Nội – Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, quý I mặc dù khó khăn nhưng Thành phố đã đạt tăng trưởng 3,72%. Nếu như Hà Nội không bị thiệt hại nặng nề về nông nghiệp thì sẽ đạt tăng trưởng gần 4%. So với nhiều Thành phố có quy mô tương đương và có thiệt hại do dịch bệnh trong khu vực và thế giới… thì đây là mức tăng trưởng cao nhất.

“Đây là nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền TP, được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành”, ông Huệ khẳng định và cho biết một “tín hiệu đáng mừng” khác là ngân sách quý I Hà Nội thu được 72.600 tỷ đồng, bằng 26% tổng dự toán.

Về dư địa tăng trưởng, Bí Thư Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã rà soát, bình quân về nông nghiệp Hà Nội 1 năm chỉ đạt 2 – 2,5% nhưng năm nay sẽ rà soát lại và quyết tâm sẽ đạt khoảng 4%, trên cơ sở đàn lợn tái đàn đưa lên 1,8 triệu con như lúc trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Đến đầu năm nay, Hà Nội đã chuyển 1.000 tỷ đồng vốn uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển cùng với các công trình hạ tầng khác sẽ đảm bảo Hà Nội đạt nông nghiệp tăng trưởng Hà Nội đạt trên 4%.

Các lĩnh vực có dư địa khác như dược phẩm, các thiết bị y tế. Thứ ba là ngành CNTT liên quan đến 4.0, Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh cấp độ 3, cấp độ 4… để bù cho các lĩnh vực khác.

TP. Hà Nội cũng đề nghị, với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu mức thiệt hại thấp nhất, cố gắng tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước từ 1,3% trở lên. Thứ hai đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Thứ ba, Thành uỷ sẽ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để rà soát tất cả các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.


Thành lập “tổ đặc nhiệm” rà soát điểm nghẽn đẩy nhanh giải ngân vốn

Về các dự án đầu tư công, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, trong 5 năm tổng đầu tư công của Hà Nội là 107.300 tỷ đồng, hơn 10% tổng 1 triệu tỷ của cả nước. Riêng trong 4 năm Hà Nội đã phân bổ giải ngân được 80.000 tỷ, bình quân 4 năm giải ngân được 86%. Số còn lại của năm 2020 cộng lại với số còn tồn của những kỳ trước, Hà Nội có khoảng 37 – 40 nghìn tỷ đồng và sẽ tiếp tục giải ngân.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân sách trên địa bàn có thể giảm 30 – 33 nghìn tỷ đồng trong đó ngân sách của TP có thể sụt giảm 10 – 12 nghìn tỷ đồng nhưng TP. Hà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công.

“Hà Nội cố gắng sau khi cắt giảm 10% chi phí thường xuyên, và nếu giải ngân 40.000 tỷ đồng thì đây là vốn mồi rất quan trọng giải quyết các công trình cấp bách, công trình an sinh xã hội và thiết yếu của Thủ đô, và cũng là vốn mồi FDI và các thành phần kinh tế khác”- Bí thư Thành uỷ Hà Nội chia sẻ, Thành uỷ sẽ chỉ đạo thành lập Tổ đặc nhiệm rà soát tất cả các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn.

Tình hình thực hiện các dự án, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, năm nay Hà Nội còn tồn 120 dự án chuyển tiếp, Hà Nội sẽ tập trung giải quyết. Ngay trong quý I đã giải quyết 25 dự án, các quý khác sẽ tiếp tục. Còn 84 dự án mới đã khởi công và giải ngân được 30 dự án, còn các dự án đầu tư công mới khác, đã làm xong các thủ tục về đầu tư cũng thủ tục lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công và sẽ giải ngân từ nay đến cuối năm.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội


Quyết tâm chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo tăng trưởng và an sinh xã hội

Về những kiến nghị, TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ ngành giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để đưa vào sớm, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm khác.

Dự án Vành đai 3 đoạn Mai Dịch đến cầu Thăng Long, Hà Nội cố gắng tháng 9 sẽ hoàn thành dự án này để có công trình chào mừng Đại hội Đảng của Thành phố.

Hà Nội cũng kiến nghị về thể chế và chính sách, đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng quy trình đặc thù về GPMB, như Chính phủ và Thủ tướng cho phép TP. Hồ Chí Minh, như vậy sẽ rút được thời gian mấy trăm ngày trong quy trình GPMB.

Đồng thời, Thành phố đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị định 63 về cơ chế tài chính đặc thù Thủ đô để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế và đặc biệt cơ cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành kiến nghị với Quốc hội tháo gỡ liên quan đến Luật Đầu tư công.

Đơn cử, theo Luật mới, dự án chuyển tiếp 2 nhiệm kỳ thì nhiệm kỳ sau không được vượt quá 20% tổng mức đầu tư của dự án, tuy nhiên tất cả những dự án dở dang hiện nay đã phê duyệt theo luật Đầu tư cũ rõ ràng sẽ gặp nút thắt và như vậy nhiều dự án dở dang đang chuyển tiếp sẽ không có cơ sở để thực hiện.

Ngoài ra, khi triển khai Nghị định 32 đề nghị Bộ Tài chính cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng với các dịch vụ công ích do một số điều kiện bất khả kháng chưa thể thực hiện đấu thầu.

Hiện nay một loạt doanh nghiệp công ích như thuỷ lợi, giáo dục đào tạo… đang ách tắc chưa thể giải quyết được. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn 1 số công trình lớn cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông được lựa chọn nhà đầu tư theo điều 26 Luật Đấu thầu trên cơ sở có thể kiểm toán thẩm định trước dự toán, cắt giảm 5 – 7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ.

Riêng về giáo dục và đào tạo, Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu giải quyết 2 nội dung rút ngắn thời gian chương trình tổ chức học tập, đánh giá trong điều kiện học trực tuyến hiện nay, để thống nhất vì liên quan đến 25 – 26 triệu học sinh.

Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục, giáo viên, cơ sở công lập khó khăn do nguồn thu bị sụt giảm và các lĩnh vực y tế giáo dục ngoài công lập. Riêng Hà Nội thống kê có 46 nghìn người ở lĩnh vực này chưa nằm trong chính sách hỗ trợ .

Bí Thư Vương Đình Huệ bày tỏ, Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo tăng trưởng và an sinh xã hội theo chỉ tiêu Chính phủ đặt ra.