Hà Nội tìm hướng chấn chỉnh quy hoạch đô thị”Hà Nội tìm hướng chấn chỉnh quy hoạch đô thị

Hà Nội đang gánh chịu những hệ lụy của tình trạng phá vỡ quy hoạch hoặc quy hoạch kiểu xôi đỗ ở khu vực nội đô. Bài học này liệu có được khắc phục trong công tác quy hoạch một loạt huyện ven đô sắp lên đời thành quận?

Hà Nội tìm hướng chấn chỉnh quy hoạch đô thị


Quy hoạch nội đô Hà Nội đang khá “lổn nhổn”



Để không giẫm vào 




“vết xe đổ”      

Hồi cuối tháng 10/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành 4 quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Điều này nhằm thực hiện quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH 13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên.

Để đảm bảo các đơn vị hành chính mới này phát triển thực sự hiện đại, quy củ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định rõ trong nhiệm kỳ tới phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị.

Theo đó, quận Đông Anh tương lai phải có điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ nghiên cứu và phát triển.

Huyện Thanh Trì tập trung phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật – xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Mục tiêu là đến năm 2025, huyện phát triển theo hướng đô thị.

Gia Lâm tập trung phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ – công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị. Mục tiêu đến 2022, Gia Lâm và các xã, thị trấn trực thuộc đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường.

Với Đan Phượng, tương lai sẽ trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, huyện Đan Phượng và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam từng kỳ vọng rất nhiều vào quy hoạch chung đô thị Hà Nội đã được ban hành. Hà Nội cũng đã chú trọng phân loại, quản lý di sản kiến trúc tốt hơn, đã tập trung thiết kế đô thị một số tuyến đường quan trọng như đường Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đã quy hoạch Đại lộ Võ Nguyên Giáp từ cầu Nhật Tân đến Sân bay Nội Bài. Đồng thời, triển khai được các vấn đề về cấp, thoát nước, chú trọng công tác xử lý kỹ thuật những trạm bơm lớn, khơi thông dòng chảy, nạo vét các sông, hồ, làm đẹp cảnh quan để tạo môi trường tốt hơn.

Trong khi đó, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cũng cho rằng, thành quả của quy hoạch Hà Nội theo định hướng một đô thị lớn và có trật tự, khoa học là khá rõ. Khi làm quy hoạch thủ đô, các nhà chuyên môn đã hoạch định rõ ràng, khoa học, mỗi khu được quy định số tầng, diện tích xây dựng phù hợp.

“Tuy nhiên, do quản lý chưa tốt, nên tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn còn nhiều và diễn biến phức tạp. Nhiều nơi xây vượt tầng, vượt mật độ cho phép, dẫn đến quy hoạch đô thị bị phá vỡ một cách nghiêm trọng”, ông An chia sẻ.

Một trong những điển hình của quy hoạch đô thị bị phá vỡ ở Hà Nội được nhiều người nhắc đến chính là Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Việc bổ sung quy hoạch, bổ sung các khối nhà cao tầng vào một khu đô thị đã tương đối hoàn chỉnh khiến Linh Đàm bây giờ không thể được gọi là “kiểu mẫu”.

Điển hình trong phá vỡ quy hoạch, nhồi nhét cao ốc, phá vỡ mật độ xây dựng,… ở Hà Nội phải kế đến tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu – một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường này đang phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chỉ tính trong vòng bán kính 100m hai bên mặt đường Lê Văn Lương dài hơn 2km thì có tới gần 40 tòa nhà cao tầng. Dễ dàng điểm tên hàng loạt các tòa nhà đã hoàn thành, như: Tòa tháp The Light Tower, Chung cư Bắc Hà, Tây Hà, Chung cư C14, Time Tower HACC1 Complex Building, The Golden Palm, Ecolife Capitol, HPC Landmark… Hay tuyến đường Nguyễn Tuân với chỉ hơn 700m nhưng đã phải cõng gần 20 cao ốc nhồi nhét dẫn đến quá tải.

Thực tế hiện nay tại Hà Nội có rất nhiều khu đô thị, tổ hợp nhà ở có mật độ xây dựng những tòa nhà cao tầng san sát nhau với mật độ dày đặc, được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần khiến quy hoạch đô thị bị băm nát một cách nghiêm trọng.


Sẽ siết lại quy hoạch và hậu kiểm

Trước thực trạng này, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, phân bố dân cư hợp lý, bảo đảm tuân thủ đúng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và khả năng đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng, trong các hoạt động lập và phê duyệt quy hoạch. Chỉ xem xét, phê duyệt đầu tư dự án các khu chung cư, nhà cao tầng khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Trong đó, có một nội dung gây chú ý về việc “Kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng, hoặc đang vi phạm mà chưa được xử lý triệt để trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia đầu tư các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố”.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nếu tinh thần này được thực hiện nghiêm thì đây sẽ là một công cụ rất hữu hiệu để răn đe, ngăn ngừa sai phạm. Bởi thời gian qua, tình trạng phát hiện vi phạm rồi phạt cho tồn tại là khá phổ biến.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một luật sư từng tham gia tư vấn pháp lý cho nhiều chủ đầu tư bất động sản nêu vấn đề, thông thường chỉ có các chủ đầu tư lớn, thương hiệu có uy tín mới “định danh” các dự án của mình theo tên tuổi doanh nghiệp. Còn rất nhiều dự án triển khai, vẫn là một chủ nhưng đứng dưới tên các pháp nhân khác nhau. Như vậy sẽ rất khó để thực hiện quy định “nếu vi phạm ở dự án trước sẽ không được tham gia đầu tư, quản lý, vận hành dự án tiếp theo”.

Về công tác quy hoạch, một tín hiệu tích cực từ Bộ Xây dựng là mới đây Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã ký ban hành kế hoạch thanh tranh năm 2020 ở Hà Nội và TP.HCM, thanh tra công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại nhiều khu vực.

Theo kiến trúc sư Vũ Quốc An, dù còn phải điều chỉnh, bổ sung cho cụ thể hơn, nhưng những động thái chấn chỉnh quy hoạch và công tác hậu kiểm của TP. Hà Nội là đáng hoan nghênh. Bởi chưa bao giờ là muộn khi siết chặt quản lý đô thị để Hà Nội trở nên hiện đại hơn, văn minh hơn trước xu thế hội nhập và xu hướng sống thông minh, xanh, văn minh, hiện đại….

“Điều đáng quan tâm là Hà Nội có thực sự quyết tâm, quyết liệt và triệt để trong việc thiết lập lại trật tự quy hoạch đô thị, nhất là tại các đô thị mới hay không?”, kiến trúc sư Vũ Quốc An nhấn mạnh.