Hà Nội quyết liệt tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN “vượt bão” Covid-19

Hội nghị trực tuyến “Đối thoại với doanh nghiệp” để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế Thủ đô do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Vương Đình Huệ chủ trì.  Cùng dự có Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản và đại diện gần 50 doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn TP Hà Nội.


Bí Thư thành ủy Vương Đình Huệ: Sẽ quyết liệt tháo gỡ khó khăn, khơi thông các dự án đầu tư

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhìn nhận, đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề, gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng, rất nhiều dự báo, dự kiến được đưa ra nhưng đến giờ phút này chúng ta chưa đánh giá hết được tác động ghê gớm của dịch bệnh Covid -19 đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, vị lãnh đạo cho biết, bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức thời gian cho công tác phòng chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội – Vương Đình Huệ tại buổi đối thoại. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị.

Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế trực tuyến, trong bối cảnh dịch bệnh, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Thành phố sẽ sớm làm việc với Bộ TT&TT để triển khai công việc hướng tới mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp kể cả khởi nghiệp trong lĩnh vực này, chú trọng hình thức trực tuyến, kể cả với các dịch vụ công; coi đây như một cứu cánh của nền kinh tế.

Về đầu tư công, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội có hơn 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Đây là nguồn lực lớn để kích hoạt đầu tư tư nhân. Do đó, Bí thư Thành ủy mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với Hà Nội để triển khai các khoản đầu tư công này. 

“Đây là giai đoạn mà Thành phố xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân. Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Thành phố được kích hoạt, thông suốt. Đồng thời cam kết có thời hạn thực hiện cụ thể”, lãnh đạo TP. Hà Nội quả quyết.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và mong muốn lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về thuế, phí, lệ phí… để Thành phố có điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến.


Doanh nghiệp mong muốn được giảm thuế, giãn nợ, cải cách thủ tục hành chính

Gửi kiến nghị đến lãnh đạo Thành phố, ông Nguyễn Đăng – Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội chia sẻ hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã khảo sát thực tế các doanh nghiệp hội viên về tình hình khó khăn, ảnh hưởng và thu thập ý kiến của các doanh nghiệp, tập trung vào 3 nhóm: về tài chính; nhân sự; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành.

Theo đó Hội mong muốn có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, ân hạn nợ vay cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo việc tránh xung đột lợi ích do Ngân hàng cũng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; đưa ra các chính sách giảm, miễn lãi vay hoặc lãi vay về mức dưới 5%, các mức áp dụng cho các doanh nghiệp tùy mức độ ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn phòng chống dịch về mức dưới 5%.

Hỗ trợ giảm 50% lãi suất ngân hàng cho các khoản vay đến kỳ trả lãi tháng 4, 5, 6 năm 2020 (đề xuất 50% này sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25%, ngân hàng giảm 25%) nhằm kích thích nền kinh tế sau đỉnh của dịch.

Hỗ trợ doanh nghiệp 50% lãi vay ngân hàng (không phải ngân hàng chính sách) trong tháng 4, 5 và 6 năm 2020 khi vay với mục đích trả lương cho người lao động (khống chế mức lãi vay không quá 7%/năm). Tính từ thời điểm dịch Covid, nếu doanh nghiệp bị vi phạm thời gian trả nợ thì ko bị tính vào “uy tín tín dụng” của doanh nghiệp.

Hội cũng đề nghị cơ quan thuế cho hoãn, giảm hoặc miễn giảm một số loại thuế, phí phải nộp và thời gian nộp, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng của từng lĩnh vực, ngành nghề, cụ thể: 

Đối với các loại thuế, phí đã có hướng dẫn về miễn, giảm, hoãn, đề nghị cục thuế địa phương có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, kịp thời đến các doanh nghiệp; sớm thực hiện việc hoàn thuế cho Doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Miễn VAT, thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng 4, 5, 6 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

“Số thu từ các doanh nghiệp này không lớn, nhưng lại là nơi tạo ra công ăn việc làm chính cho xã hội nên không phải giãn, mà cần miễn luôn”, ông Đăng nhấn mạnh. Đối với những doanh nghiệp còn lại, ông Đăng kiến nghị giãn nộp thuế VAT 12 tháng của quý I, quý II năm 2020 và sẽ thu lại trong năm 2021, không tính chậm nộp (loại trừ những ngành nghề không bị ảnh hưởng).

Ngoài ra, hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội mong muốn Thành phố đẩy nhanh hơn quy trình xử lý các thủ tục hành chính có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, tránh việc quy trình xét duyệt, giải quyết quá lâu làm doanh nghiệp không đủ lực để tồn tại.

Đối thoại với lãnh đạo TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị Thành phố nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang).

Đồng thời đại diện doanh nghiệp này cũng đề nghị Bộ KH&ĐT giảm thuế cho doanh nghiệp đến 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch tập đoàn BRG. Ảnh: Hà Nội mới.

Đồng quan điểm, đại diện FLC bày tỏ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng Covid-19 đang kéo dài, do đó, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp. Do đó, FLC mong muốn Chính phủ kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, cũng cần xác định du lịch là ngành được ưu đãi đầu tư để có những cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đầu tư du lịch.

Theo đại diện Vingroup, tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Về du lịch, dịch bệnh làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, hiện tập đoàn đang lỗ khoảng 3. 000 tỷ. Chưa kể, tập đoàn cũng bị ảnh hưởng khi giải đua xe F1 tạm dừng, phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Trung ương kéo dài thời gian gia hạn thuế là 1 năm thay vì 5 tháng như hiện nay bởi ảnh hưởng của dịch bệnh còn kéo dài; đồng thời thực hiện giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú.

Cũng như Tập đoàn FLC, Vingroup đề nghị thành phố Hà Nội giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, sớm phê duyệt danh mục dự án sử dụng đất để kêu gọi nhà đầu tư tham gia…

Về các biện pháp giãn, hoãn, giảm trong lĩnh vực thuế mà doanh nghiệp kiến nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết VCCI sẽ tiếp thu, nhưng theo vị này, ngân sách Nhà nước hiện rất hạn hẹp. Vì thế ngân sách cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận, cảm ơn những ý kiến của các đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, nhất là những đánh giá, động viên về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố. Bí thư Thành ủy cam kết, Thành phố sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch, trên nguyên tắc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, làm tiền đề cho sản xuất kinh doanh và phục hồi, phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy cũng khẳng định Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch và tuyệt đối không có tiêu cực trong việc thực thi các cơ chế, chính sách của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.