Những dự án “đất vàng” bỏ hoang giữa trung tâm TP.HCM

Được cho là nằm ở vị trí “đất vàng” giữa các quận trung tâm TP.HCM, thế nhưng hàng chục dự án bất động sản đã được cấp phép lại bị bỏ hoang nhiều năm.

Những dự án “đất vàng” bỏ hoang giữa trung tâm TP.HCM


Dự án Lavenue Crown nằm bất động giữa trung tâm quận 1



Dự án “đất vàng” bỏ hoang




Từ năm 2015 tới nay, thị trường bất động sản trung tâm TP.HCM khan hiếm nguồn cung mới nghiêm trọng. Trong vòng 4 năm qua chỉ có 2 dự án bất động sản mới được phát triển gồm dự án



Alpha Hill tại đường Cống Quỳnh, quận 1 và dự án Grand Manhattan của Tập đoàn Novaland tại đường Cô Giang, quận 1.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là tại các quận trung tâm này lại còn nhiều dự án bất động sản đã quy hoạch nhiều năm qua, nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện xây dựng. Đặc biệt, các dự án bất động sản tọa lạc ở những vị trí đắc địa, có mức đầu tư dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang, không có động thái xây dựng nào trong thời gian dài.

Đơn cử như Alpha Town, dự án tọa lạc trên khu đất số 289 Trần Hưng Đạo, quận 1. Lô đất hơn 4.000 m2 này ban đầu được UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Đây vốn là một chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng buộc phải di dời các hộ dân.

Năm 2007, khu đất được phê duyệt thành dự án khu trung tâm thương mại – dịch vụ – văn phòng cho thuê và căn hộ. Doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Khải. Năm 2010, dự án bắt đầu khởi công nhưng không lâu sau đó đã tạm ngưng.

Đến năm 2017, UBND TP.HCM điều chỉnh chức năng tại dự án này thành dự án thương mại – dịch vụ – văn phòng, không còn chức năng căn hộ ở. Sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (WIPD Group), thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bất ngờ trở thành chủ đầu tư.

Hiện khu đất này được quảng bá là dự án toà nhà văn phòng hạng A có tên Alpha Town do Alpha King làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 35 tầng, dự kiến cung cấp 70.000 m2 văn phòng và hơn 2.300 m2 sàn thương mại. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, khu đất vẫn đang được rào chắn, bên trong là từng đống sắt thép nằm “phơi nắng phơi mưa” và không có dấu hiệu thi công.

Một dự án khác là Dự án 1Bis – 1Kep tại khu vực đầu đường Nguyễn Đình Chiểu – Hoàng Sa, quận 1.

Dự án nằm trong khu đất rộng 1,8 ha này được giao cho Công ty Phát triển và Dịch vụ Nhà quận 1 (sau này là Công ty TNHH một thành viên Phát triển Nhà Bến Thành) sử dụng để đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê từ năm 1996. Để triển khai dự án, 213 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp phải di dời, giải toả.

Dự án trì trệ đến năm 2015, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi giao cho chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thuỷ đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng, khách sạn, thương mại và dịch vụ. Hình thức giao đất là có thu tiền sử dụng đất, thời gian giao 50 năm.

Tuy nhiên, kể từ khi được giao đất đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện dự án. Hiện khu đất này chỉ là bãi đất trống, một số hạng mục thi công dở dang rồi ngưng. Trong khi đó, việc chi trả bồi thường cho các hộ dân di dời vẫn còn nhiều vướng mắc.

Một khu đất vàng bỏ hoang khác là Dự án khách sạn IBIS Ben Thanh Palace tại số 104 Nguyễn Văn Cừ, quận 1. Dự án này nằm trên khu đất rộng 2.750 m2 được UBND TP.HCM giao cho Ben Thanh Group, có quy mô 18 tầng cao, cung cấp 88 căn hộ dịch vụ, 338 phòng khách sạn và 4 sảnh tiệc.

Nằm ở vị trí đắc địa và không ít nhà đầu tư muốn sở hữu, nhưng sau hơn chục năm, dự án khách sạn IBIS Ben Thanh Palace hiện vẫn hoang tàn, xơ xác. Sau hàng rào là bãi đất cỏ dại mọc cao hơn đầu người, không có bất kỳ dấu hiệu xây dựng nào.

Cũng tại quận 1, Dự án Lavenue Crown được quy hoạch là khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn.

Khu đất rộng 4.900 m2 này có nguồn gốc Nhà nước, ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc. Đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này là Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố.

Năm 2010, 4 công ty thuộc Bộ Công thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).

Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2), theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng/m2/năm.

Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016; Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty này.

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại báo cáo kết luận số 138 năm 2016, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn. Cuối năm 2018, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thu hồi khu đất trên sau khi xác định đã được giao không đúng đối tượng. Hiện khu đất này đã trở thành bãi giữ xe ô tô và xe máy.

Liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn, 4 cựu lãnh đạo của TP.HCM đã bị khởi tố.

Ngoài ra, trong văn bản phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký cũng công bố 160 dự án bất động sản thương mại được phê duyệt chủ trương phát triển nhưng tới nay hàng chục dự án vẫn chưa triển khai.

Đơn cử như dự án Chung cư Saigon Luxury số 11D đường Thi Sách, quận 1 của Công ty cổ phần Đầu tư Himlam; Dự án căn hộ 29 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 của Công ty Đầu tư và Thương mại Khang An; Dự án Landcastar Leganlcy tại số 230 đường Nguyễn Trãi, quận 1 của Công ty TNHH Đầu tư Trung Thủy; Chung cư 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 của Công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc 3; Dự án khu phức hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và chung cư tại số 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 của Công ty cổ phần thương mại và Đầu tư Hồng Hà… đều bất động thời gian dài.


Chưa biết ngày triển khai

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về việc những dự án này vì sao chưa triển khai, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, chủ yếu do vướng thủ tục pháp lý về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Quỹ đất của các dự này đa phần là của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, trong đó có những lo đất do quân đội, công an quản lý.

Ông Nguyễn Trung Tín, CEO Công ty TNHH Đầu tư Trung Thủy cho biết, dự án Landcastar Leganlcy hiện đang vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chưa biết khi nào có thể triển khai.

“Tất cả phụ thuộc vào phía cơ quan chức năng xử lý hồ sơ chuyển đổi đất và cấp phép”, ông Tín nói.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai và ngay cả trong các quy định của Luật Quy hoạch đô thị đã tạo ra tình trạng các dự án dù được chấp thuận chủ trương, nhưng tới thời hạn phải hoàn thành vẫn chưa thể có giấy phép xây dựng, phát triển dự án.

Ông Châu cho rằng để giải quyết ách tắc này, UBND TP.HCM nên cho phép Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhận và giải quyết hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án) của “nhà đầu tư” đã có “Quyết định chủ trương đầu tư” của UBND.

Về lâu dài, HoREA đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Khoản 7, Điều 19, Luật Quy hoạch đô thị, như sau: “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng, nhà đầu tư, người sử dụng đất tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”, để giải quyết triệt để vấn đề xung đột pháp luật nêu trên.

Theo ông Lê Hoàng Châu, để hạn chế dự án treo, giảm thiểu thủ tục mà vẫn đàm bảo thẩm định chặt chẽ năng lực chủ đầu tư, TP.HCM nên thực hiện một quy trình 6 bước như sau:

Bước 1, với thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”, Sở Kế hoạch – Đầu tư xem xét, trình UBND Thành phố ban hành “Quyết định chủ trương đầu tư”, trên cơ sở UBND quận, huyện xác nhận “nhà đầu tư” đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Bước 2, thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Sở Quy hoạch Kiến trúc xem xét, giải quyết đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sau khi đã có “Quyết định chủ trương đầu tư” dự án.

Bước 3, thủ tục “Quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư”. Sở Xây dựng (Tổ chuyên gia) xem xét, đề xuất ban hành “Quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư” dự án, sau khi đã có quy hoạch chi tiết 1/500.

Bước 4, thủ tục “Quyết định thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư”. Sở Tài nguyên – Môi trường xem xét, đề xuất ban hành “Quyết định thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư” sau khi đã có “Quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư” dự án.

Bước 5, thủ tục “Quyết định tiền sử dụng đất”. Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì thực hiện công tác xác định giá đất và phối hợp với Sở Tài chính trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố thẩm định giá đất, làm cơ sở để UBND ban hành “Quyết định tiền sử dụng đất”.

Bước 6, thủ tục cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất, Sở Tài nguyên Môi trường cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” dự án cho chủ đầu tư, trong đó có “đất ở”.