Nguyễn Sơn Hà – niềm tự hào xứ Đông Dương

“Khi nói về các doanh nhân trong lịch sử đất nước, người ta hay nhắc về Nguyễn Sơn Hà như là một trong những người tiêu biểu nhất, từ bàn tay trắng trở thành danh nhân xứ Đông Dương”.

Đó là lời mở đầu tham luận của TS Phạm Hữu Thư, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.Hải Phòng, trong Tọa đàm khoa học kỷ niệm 100 năm Nhà máy sơn Resistanco, do nhà kỹ nghệ yêu nước Nguyễn Sơn Hà sáng lập. Tọa đàm được tổ chức cuối tuần qua bởi Câu lạc bộ Nghiên cứu đô thị Hải Phòng và gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà.

Nguyễn Sơn Hà - niềm tự hào xứ Đông Dương - ảnh 1

Hình ảnh nhà kỹ nghệ Nguyễn Sơn Hà tại tọa đàm

LQP

Người Pháp cũng phải thừa nhận

Tham gia tọa đàm, nhà nghiên cứu Phạm Tuệ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt – Pháp TP.Hải Phòng, trình chiếu một loạt hình ảnh lấy từ một cuốn sách do Toàn quyền Đông Dương xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1943 để giới thiệu những người quan trọng và nổi bật nhất của xứ Đông Dương.

Trong sách, có thể thấy hình ảnh các vị vua của Việt Nam, Lào, Campuchia và những người nổi tiếng xứ Đông Dương, gồm cả hình ảnh và lời giới thiệu về doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. “Kể ra như thế là để chứng tỏ người Pháp họ cũng phải thể hiện sự kính trọng và thừa nhận như thế nào đối với cụ Nguyễn Sơn Hà của chúng ta”, ông Phạm Tuệ nói với Thanh Niên.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, nhà Hải Phòng học và nguyên là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà quê ở Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ. Ông ra đời tại Hà Nội năm 1894 và có tên khai sinh là Nguyễn Lạc. Cái tên Nguyễn Sơn Hà là lấy theo quê (Sơn Tây) và nơi sinh (Hà Nội). Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thành danh ở Hải Phòng với nhà máy sơn có tên Resistanco, ra đời năm 1922.

Trong buổi tọa đàm, các tham luận đều khẳng định tiền tố resistan – trong tên nhà máy sơn, có nghĩa là bền, chắc, còn hậu tố cocompany (công ty). Riêng ông chủ nhà máy đều được các tham luận gọi là cụ Nguyễn Sơn Hà. Đây cũng là cách gọi tôn kính của người dân Hải Phòng đối với nhà kỹ nghệ kiệt xuất, niềm tự hào của họ.

Tại tọa đàm, kỹ sư Phan Giang Sơn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nghiên cứu đô thị Hải Phòng, khẳng định Nguyễn Sơn Hà là nhà kỹ nghệ hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc.

Từ hai bàn tay trắng và làm thuê cho một hãng sơn Pháp, ông đã bỏ việc khi mới 22 tuổi và trở thành chủ của một hãng sơn lớn nhất Đông Dương trước năm 1946, nhờ tự phát triển và sản xuất các loại sơn bằng nguyên liệu trong nước như dầu trẩu và các loại bột màu pha chế trong nước.

Đáng chú ý, giá thành các loại sơn của ông với nhãn hiệu Resistanco A, Resistanco B và sau đó là Durolac, được cho là bền đẹp như (hoặc hơn) sơn của Tây, nhưng giá chỉ bằng một nửa.

Nhà kỹ nghệ yêu nước, thương người

Ở Hải Phòng bây giờ, vẫn còn nhiều ngõ phố được gọi theo tên cũ dù chính quyền đã đổi tên, đánh số. Trong đó có ngõ Sơn Hà (tức ngõ 72 phố Lạch Tray) và ngõ Sơn Lâm (ngõ 37 phố Lê Chân). Đây cũng là 2 con ngõ gắn liền với gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà.

Nguyễn Sơn Hà - niềm tự hào xứ Đông Dương - ảnh 2

Các con cháu của nhà kỹ nghệ Nguyễn Sơn Hà

LQP

Họa sĩ Nguyễn Sơn Trúc, con gái cụ Nguyễn Sơn Hà, cho biết đầu những năm 1940, gia đình mua 41 gian nhà ở gần Đền Nghè (thờ nữ tướng Lê Chân) cho công nhân ở. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, cả gia đình theo cách mạng lên Thái Nguyên.

Khi Hải Phòng giải phóng năm 1955, cụ Nguyễn Sơn Hà đưa vợ con trở về và không đòi lại gian nhà nào cả. Khu vực này nay là ngõ Sơn Lâm, mang tên người con trai cả Nguyễn Sơn Lâm của cụ Nguyễn Sơn Hà. Ông Lâm đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

Riêng ngõ Sơn Hà, vốn là khu nhà xưởng làm sơn rộng 7.000 m2, khi hòa bình lập lại, một lãnh đạo TP.Hải Phòng thấy cụ Nguyễn Sơn Hà muốn chuyển hướng kinh doanh lên Hà Nội thì nói: “Anh chưa dùng thì để nhà nước dùng nhé”.

Thế là quyền sở hữu khu vực này được cụ Nguyễn Sơn Hà chuyển ngay sang cho nhà nước. Một phần khu vực này nay trở thành ngõ Sơn Hà. Đây cũng là trao đổi của họa sĩ Nguyễn Sơn Trúc với Thanh Niên. Hầu hết các tham luận tại tọa đàm cũng đều khẳng định cụ Nguyễn Sơn Hà đã hiến toàn bộ gia sản của mình cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi mới thành lập.

Tham luận của nhà sử học Ngô Đăng Lợi có đoạn viết: “Ông (Nguyễn Sơn Hà) còn mở một đồn điền ở Hải Dương, lấy thóc cấp cho công nhân, may cả quần áo cho họ và vợ con. Khi gia đình họ ốm đau được chạy chữa, thuốc men, người chết được ma chay chu đáo. Tôi đã có dịp gặp một công nhân sơn, người thợ cao tuổi này đã rơi nước mắt khi nhắc đến ông chủ cũ đã cưu mang gia đình mình”.

TS Phạm Hữu Thư cho biết: “Trong lịch sử Quốc hội VN, thật hiếm có người nào được nhân dân tin tưởng, yêu mến như Nguyễn Sơn Hà”, khi ông được bầu làm đại biếu Quốc hội 5 khóa liền. Theo những tài liệu chính thức và được dẫn lại tại tọa đàm, gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà đã đóng góp 105 lạng vàng cho cách mạng trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi tổ chức Tuần lễ vàng, sau khi giành được chính quyền năm 1945.

Đáng chú ý, nhà nghiên cứu Phạm Tuệ nhận định rằng tiền tố resistan trong cái tên Resistanco, ngoài nghĩa tiếng Pháp là “bền, chắc” thì còn có nghĩa là “chống lại”, có thể hiểu là “kháng chiến”. Ông Tuệ cho biết chính người Pháp đã dùng từ resistan này khi nói về cuộc kháng chiến của Việt Nam chống lại người Mỹ.

“Nếu đây là sự thật, chúng ta có thể hình dung là cụ Nguyễn Sơn Hà đã có một tinh thần dân tộc, một lòng yêu nước thật mạnh mẽ khi đặt tên cho công ty của mình. Đây cũng là điều tôi rất muốn chia sẻ để mọi người tham khảo”, ông Tuệ nói.

Đề nghị lập giải thưởng hoặc quỹ Nguyễn Sơn Hà

Theo kỹ sư Phan Giang Sơn, sau khi bỏ lại toàn bộ gia sản ở Hải Phòng để theo cách mạng lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp, cụ Nguyễn Sơn Hà đã nghiên cứu sản xuất ra vải nhựa cách điện dùng trong thông tin liên lạc, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, làm cả lương khô vừa đủ chất vừa có thể bảo quản lâu ngày không bị mốc, hoặc chế ra kẹo ngậm chống ho cho bộ đội.

TS Phạm Hữu Thư thì cho biết, trong những ngày tháng ở Việt Bắc, cụ Nguyễn Sơn Hà còn hướng dẫn đồng bào các dân tộc trồng lúa theo cách của người Kinh, hoặc kiến nghị Chính phủ thu thuế bằng thóc, thay vì bằng tiền, để người nông dây không phải bán lúa giá thấp, nhà nước không phải mua lại thóc của tư thương với giá cao.

Theo ông Thư, nhà kỹ nghệ Nguyễn Sơn Hà còn có “tầm nhìn xa vượt thế kỷ”: từ năm 1964, cụ Nguyễn Sơn Hà đã phát biểu tại Quốc hội về việc luồng vào cảng Hải Phòng không sâu, tàu lớn không vào được và cần phải có một cảng nước sâu ở khu vực Quảng Ninh. Đến năm 1997, cảng nước sâu đầu tiên ở miền Bắc đã được xây dựng tại Cái Lân (Quảng Ninh).

Trong tham luận của mình, TS Đặng Văn Hưng, Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử và tin học Hải Phòng, sau khi ngợi ca tài năng xuất chúng của nhà kỹ nghệ Nguyễn Sơn Hà, đã đề nghị TP.Hải Phòng thành lập “Quỹ đổi mới sáng tạo Nguyễn Sơn Hà”, hoặc “Giải thưởng Nguyễn Sơn Hà”, với mục đích hỗ trợ cho các nhân và doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoặc trao giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ.

Riêng TS Lã Trọng Long, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hải Phòng, còn đề nghị gia đình và tập hợp những sáng kiến, công trình của nhà kỹ nghệ Nguyễn Sơn Hà để đề xuất cơ quan có thẩm quyền trao giải thưởng phù hợp.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *