Người dân khu Mả Lạng mơ về cuộc sống an cư

Nhà như hộp diêm, thấm dột, ẩm thấp, thậm chí mặt trời không tới nơi… Đó là cuộc sống của gần 1.500 hộ dân ở ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, thuộc khu “tứ giác vàng” Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng) sau gần 20 năm quy hoạch “treo”.

Người dân khu Mả Lạng mơ về cuộc sống an cư


Người dân khu Mả Lạng mong mỏi Thành phố sớm có phương án đền bù, giải tỏa để ổn định cuộc sống



“Siêu ổ chuột” giữa lòng Thành phố




Nằm sát cạnh những tòa nhà hoành tráng, những công trình cao tầng tại trung tâm quận 1, nhưng nhắc đến Mả Lạng, nhiều người dân TP.HCM liên tưởng đến những giai thoại về vùng đất của “cái chết trắng”. Ngoài ra, khu vực này cũng tồn tại những căn nhà bé xíu như những chiếc hộp diêm. Có những gia đình ngót nửa thế kỷ vẫn chưa một lần được quây quần bên mâm cơm, chỉ vì nhà không đủ chỗ ngồi.

Được bao quanh giữa 4 tuyến đường Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Trần Đình Xu – Nguyễn Cư Trinh, khu Mả Lạng được xem là khu ổ chuột lớn nhất còn sót lại ở trung tâm Thành phố.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước chân đến Mả Lạng là những con đường ngoằn ngoèo như một mê cung. Nhìn bề ngoài, ít ai biết đằng sau những dãy nhà khang trang, buôn bán sầm uất là hàng trăm căn nhà diện tích chỉ khoảng 5 – 7 m2, lụp xụp, rách nát, ẩm mốc. Trong đó, có không ít ngôi nhà từ lúc “cất nóc” đến bây giờ vẫn chưa bao giờ được mặt trời chiếu rọi.

Quanh co chừng 10 khúc cua, chúng tôi dừng chân trước căn nhà rộng chừng 5 m2 của bà Kim Cúc (75 tuổi). Cũng như người dân trong khu Mả Lạng, giường ngủ hay tủ đựng quần áo có lẽ là một món đồ ít khi chạm tới của gia đình bà Cúc, không phải vì không đủ tiền mua, mà vì nhà quá chật.

“Tối cả nhà cứ xếp nhau lại, đầu người này giáp với chân người kia. Ở đây gia đình nào cũng vậy. Kệ! Ăn nhiều chứ ở đâu có bao nhiêu”, bà Cúc nói.

Rời nhà bà Cúc, chúng tôi tiếp tục tản bộ vào sâu thêm 2 con hẻm nữa. Đón tiếp chúng tôi trong một căn nhà ẩm thấp, vật dụng sinh hoạt giăng đầy lối đi, ông Bảy (85 tuổi) tặc lưỡi: “Chúng tôi đã gắn bó gần cả đời người ở đây rồi. Tuổi già sức yếu, đã quá mệt mỏi với cảnh tù túng, chật hẹp, ai cũng muốn thoát khỏi cảnh sống trong mấy ‘hộp diêm’ như thế này”.

Theo lời kể của ông Bảy, năm 1975, cả khu vực này bị cháy rụi sau một trận pháo kích. Sau đó, Thành phố đã có chủ trương đưa người dân nơi đây đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhưng những năm sau đó, người dân lại quay trở về Mả Lạng sinh sống.

“Đa số những người trong khu Mả Lạng là dân thành phố, trước nay đâu biết làm nương làm rẫy thế nào, chỉ cần gặp mấy con sâu cũng đủ làm tôi sợ hãi. Cực khổ quá không chịu được, ở đó được 1 năm, vợ chồng tôi lại dắt díu nhau về Mả Lạng sinh sống”, ông Bảy nói.

Với người dân Mả Lạng, cuộc sống chật chội nhưng riết rồi cũng thành quen, mà không quen thì cũng phải quen, vì ngoài nơi này, họ chẳng biết đi đâu.


Mong sớm được giải tỏa

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, từ năm 2000, UBND TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng và chỉnh trang khu vực này. Thành phố đã chấp thuận cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện, nhưng dự án bê trễ không triển khai được.

Đến năm 2007, Thành phố lại tiếp tục chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, biến khu vực này thành một phức hợp khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại với diện tích đất thu hồi hơn 6,8 ha, tổng số nhà giải tỏa gồm 1.424 căn. Tuy nhiên, đã hơn chục năm trôi qua, đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều người dân ở khu Mả Lạng cho biết, họ có được thông báo về việc khu vực nhà mình nằm trong diện quy hoạch dự án từ hơn chục năm nay. Chính quyền cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với dân để bàn về việc đền bù giải tỏa, nhưng mọi việc sau đó chìm trong quên lãng.

Với gia đình bà Nguyễn Thị Lượm, kể từ ngày có quy hoạch đến nay, đã tăng gấp đôi nhân khẩu (hiện có 8 thành viên), cứ hễ đêm xuống là phải chen chúc nhau để ngủ.

Riêng bà Lượm, hàng chục năm qua gắn chặt với chiếc võng móc trước cửa nhà. Ban ngày, ngồi ngay đó buôn bán lặt vặt, nấu nướng, đêm xuống ngả lưng ngủ. Riêng đứa con trai út phải ngủ trên những chiếc xe máy.

“Giờ chẳng biết làm gì, chỉ ngồi chờ”, bà Lượm thở dài và cho biết, mỗi lần hỏi khi nào giải tỏa, thì được chính quyền cam kết hết lần này qua lần khác. Cứ nghe câu nói “tháng 6 này sẽ giải tỏa”, nhưng không biết tháng 6 của năm nào.

Có thể thấy, dù sống trên khu đất vàng, nhưng người khu Mả Lạng không ai có cuộc sống dư giả và giấc mơ an cư chắc chắn phải tiếp tục chờ.