Ngày mai, xét xử phúc thẩm vụ chuyển nhượng đất vàng trái quy định tại Bình Dương

Theo đó, phiên tòa được Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở để xem xét đơn kháng cáo của các bị cáo, kháng cáo của bị hại và của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Thẩm phán Mai Anh Tài ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa gồm có Kiểm sát viên cao cấp Phạm Ngọc Vỹ và Bùi Ngọc Tân.

Trong vụ thao túng đất vàng, 4 bị cáo có đơn kháng cáo gồm: Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương), Lý Thanh Châu (cựu Thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương – TNHH MTV) và Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương – TNHH MTV).

Trong đơn kháng cáo, các bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ phạm tội và hậu quả hành vi phạm tội của từng bị cáo; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ (lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn…).

Bị cáo Trần Thanh Liêm tại toà.

Trước đó, từ ngày 15/8 đến ngày 30/8, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này và tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Liêm 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Trần Nguyên Vũ bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 11 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Trần Nguyên Vũ là 23 năm tù.

Bị cáo Lý Thanh Châu bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy bị tuyên phạt 30 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bản án sơ thẩm xác định, bị cáo Trần Thanh Liêm với chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Dù bị cáo biết rõ việc chuyển nhượng đất là trái quy định, nhưng đã không có quyết định ngăn chặn mà vẫn tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương) thực hiện một loạt hành vi sai phạm về đất đai.

Cụ thể, trong vụ án này, bị cáo Trần Thanh Liêm cùng các bị cáo thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã làm trái các quy định của pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất đối với khu đất 145 ha lúc cổ phần hóa doanh nghiệp, dẫn đến việc bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm không tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn là 4.030 tỷ đồng.

HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng công ty Bình Dương, các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Trước đó, trong cáo trạng gần 100 trang xác định, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương xin phê duyệt đề án phát triển khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương nhằm tạo quỹ đất phát triển các dự án khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị cao cấp. Để đền bù giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Bình Dương giao đất cho Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, khi đó là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu.

Nhà chức trách cáo buộc, khi việc giải phóng mặt bằng của khu liên hợp chưa hoàn tất, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, có chủ trương biến khu đất 43 ha và 145 ha thành sân golf, trường đua và dịch vụ khác để nhằm mục đích liên doanh hoặc chuyển nhượng cho đối tác. Các dự án chưa được phê duyệt, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất song ông Minh đã chỉ đạo thực hiện ký kết hợp đồng liên doanh với các đối tác để mua bán hai khu đất.

Ông Minh bị cáo buộc lợi dụng chức vụ thao túng hoạt động của Hội đồng thành viên theo mục đích cá nhân, chỉ đạo chuyển nhượng trái phép khu đất 43 ha và dùng khu đất 145 ha với giá trị thấp bằng 1/10 giá thực tế để cùng hai công ty sân sau góp vốn thành lập công ty liên danh. Ông Minh bị đánh giá là chủ mưu, trực tiếp gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng. Ông còn bị cáo buộc tham ô hơn 815 tỷ đồng trong quá trình mua bán cổ phần của Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, trong đó chiếm hưởng trực tiếp 163 tỷ đồng.

Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Nam bị đánh giá gây sai phạm “đặc biệt nghiêm trọng”, là người chức vụ cao nhất trong 28 bị can. Theo cáo buộc, ông biết Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề xuất áp giá đất quy định năm 2006 để tính tiền sử dụng đất giao cho Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương năm 2012 là trái quy định nhưng vẫn quyết định cho thực hiện.

Sau khi có sai phạm về chuyển nhượng đất, ông Nam không buộc Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương khắc phục hậu quả mà cố ý cho công ty này tiếp tục thực hiện những hành vi sai trái. Cựu Bí thư chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh các công văn, làm sai lệch bản chất nội dung công văn liên quan khu đất. Các sai phạm của ông Nam bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng 1.745 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, bị cáo buộc biết khu đất 145 ha đã được tỉnh phê duyệt phương án sử dụng, kế thừa vào giá trị tài sản Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương sau cổ phần hóa. Ông Liêm cũng biết việc lô đất bị đưa vào góp vốn tại liên danh công ty sân sau của ông Minh, song vẫn ký quyết định không đưa khu đất này vào giá trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hành vi của ông Liêm bị cáo buộc, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng.

VNREX || ✅ Trang tin Bất Động Sản Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *