Ngân hàng đẩy mạnh bán nợ cuối năm

Có ngân hàng cùng lúc rao bán nhiều khoản nợ trị giá hàng trăm tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.


Dần về cuối năm, các nhà băng càng đẩy mạnh bán nợ, phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu, cũng như tìm kiếm thêm dư địa cho vay trong bối cảnh hạn mức tín dụng khó được nới thêm.


Nhiều chi nhánh của BIDV đồng loạt rao bán các khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. BIDV chi nhánh Vĩnh Long thông báo đấu giá toàn bộ nợ gốc, lãi và phí của Công ty Đầu Tư Xây Dựng Phú An Vĩnh Long với giá trị tạm tính đến 31/8 là 48,6 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng 41 thửa đất của công ty và máy móc thiết bị.


Chi nhánh Phú Yên của nhà băng này cũng đấu giá tài sản thế chấp là 2,48 triệu cổ phiếu của Công ty Thống Nhất 508 góp vốn tại Công ty Thương mại Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng với giá khởi điểm gần 27,7 tỷ đồng.








Nợ xấu nhóm 5 của các ngân hàng đang có xu hướng tăng. 



Chi nhánh này cũng đấu giá tài sản cầm cố khác là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh làng BIDV tại Khu đô thị mới CIENCO 5, Hà Nội. Dự án đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 10.684 m2. Giá khởi điểm chào bán là hơn 153,3 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí, thuế chuyển quyền sở hữu do người mua chịu và đặt cọc trước 30 tỷ đồng. 


Tương tự, hàng loạt chi nhánh của Vietinbank ở Hải Phòng, Bảo Lộc, Hà Nội… cũng rao bán các khoản nợ lên đến 70 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ bán toàn bộ nợ với nguyên trạng, gồm các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ của bên bán với bên nợ, quyền xử lý tài sản đảm bảo và các quyền lợi khác. Phương thức mua bán không truy đòi. Giá bán khoản nợ theo thị trường và thỏa thuận của các bên sau khi được ngân hàng chấp thuận.


Một số ngân hàng khác như Sacombank, MBBank, Agribank, VIB… cũng liên tục đấu giá tài sản gồm hàng loạt lô bất động sản, nhà đất, dự án từ chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.


Với nỗ lực đẩy mạnh xử lý thời gian qua, nợ xấu của các ngân hàng nhìn chung đã giảm mạnh, song nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có xu hướng tăng ở số tuyệt đối.


Chẳng hạn, tại BIDV, tính đến 30/9, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng chỉ nhích nhẹ từ 1,9% hồi đầu năm lên 2,09% và vẫn ở ngưỡng thấp, nhưng trong đó nợ nhóm 5 tăng 70% lên 12.194 tỷ đồng.


Tương tự, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống chỉ ở mức 1,07% tổng dư nợ là Vietcombank cũng có chung tình trạng là nợ nhóm 5 tăng 1,9% lên 4.860 tỷ đồng tính tới 30/9/2019.


Tại MBBank, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9 cũng ở mức 1,35%, nhưng nợ nhóm 5 đã tăng từ 858,56 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.


Các chuyên gia cho rằng, việc mua bán nợ xấu hiện nay được thực hiện chủ yếu trên các chủ thể chính là VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam của Bộ Tài chính, các công ty mua bán nợ của ngân hàng thương mại. Trong đó, các công ty mua bán nợ của ngân hàng chỉ tập trung xử lý nợ của bản thân, chưa tham gia mua bán với các tổ chức khác.


Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy việc mở cửa cho tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia, tạo thị trường mua bán nợ thực sự nhằm giải quyết căn cơ nợ xấu cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng. Cụ thể, cần có nghị định về thị trường mua bán nợ, trong đó cơ quan đầu mối đứng ra tổ chức như một sân chơi minh bạch; các khoản nợ cần được minh bạch để người mua, người bán có đủ thông tin.